Những Vấn Ðề Môi Trường Việt Nam

Posted on February 22, 2011

0



Vào chiều Thứ Bẩy, 19 tháng 2, tại hội trường nhật báo Người Việt, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết đã tổ chức cuộc ra mắt tác phẩm Những Vấn Ðề Môi Trường VN.

Những Vấn Ðề Môi Trường VN là tác phẩm thứ 5 của ông tại hải ngoại và là tác phẩm thứ ba ông viết về vấn đề môi sinh, môi trường VN, một vấn đề khá nghiêm trọng đối với nhân loại đặc biệt là đối với con người VN hiện tại trong cơn mơ hoảng làm con Rồng Kinh Tế của nhà đương quyền CSVN.

Giới thiệu về cuốn sách này trong buổi ra mắt sách, nhà văn Phạm Phú Minh đã nhấn mạnh: “Ðây là lần đầu một nhà khoa học VN đã đặt vấn đề sống còn của dân tộc VN.”

Cũng trong buổi ra mắt sách này, Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên, một thành viên của tổ chức Mặt Trận Dân Tộc Tiến Bộ, tiền thân của Cao Trào Nhân Bản, đã giới thiệu về tác giả, một đồng sự trong các Ðại Học Sư Phạm Saigon và Ðại Học Cao Ðài từ năm 1973. Theo Luật Sư Duyên thì tác giả Mai Thanh Truyết là một nhà trí thức có tâm hồn yêu nước thiết tha, đã về nước dấn thân vào lúc đất nước đang trong cơn đại loạn. Chính vì lòng yêu nước thiết tha này mà sau năm 1975, nhà cầm quyền CSVN đã không để cho ông được tiếp tục dạy học.

Ra đến hải ngoại, ông lại đem hết tâm sức nghiên cứu về môi trường VN, đưa ra những vấn đề nguy hại cảnh báo cho mọi người biết sự nguy hại không chỉ cho hiện tại mà ảnh hưởng lâu dài đến nhiều thế hệ người Việt nối tiếp. Luật Sư Duyên cho rằng: “Việc Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết đang làm là thể nhiệm cái trách nhiệm của người được hưởng trong hiện tại đối với những người sẽ đến trong tương lai.”

Nhà văn Phạm Phú Minh cũng đã sơ lược lại nội dung cuốn sách mà tác giả đề cập đến rất nhiều vấn đề môi sinh ở VN với dầy công nghiên cứu sưu tầm. Ba nguồn ô nhiễm chính mà người dân VN đang phải chịu đựng và nhiều thế hệ sau còn phải chịu đựng là sự phế thải của các nhà máy công kỹ nghệ suốt từ Bắc vào Nam đã thải ra trên mặt đất cho đến không khí và các dòng sông nay đã đậm đặc những độc hại trong tiến trình công nghiệp phát triển vội vã để mau chóng làm một nước được coi là phát triển. Ngoài ra tác giả còn đi sâu vào những vấn đề khác trong thực phẩm Việt Nam.

Theo nhà văn Phạm Phú Minh thì “vấn đế nào tác giả đưa ra cũng đầy đủ minh chứng thuyết phục người đọc tiếp cận thực tế.”

Vẫn theo nhà văn Phạm Phú Minh thì để giải quyết được những hiểm nguy này của nhân loại, không riêng cho Việt Nam, tác giả Mai Thanh Truyết chủ trương rằng nhân loại nên quay về với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để có những phương pháp thích nghi. Tác giả cho rằng con người đã khai thác trái đất quá mức do lòng tham của mình làm cho trái đất kiệt quệ. Văn minh vật chất đã gây thương tích cho Mẹ Trái Ðất.

Quang cảnh buổi ra mắt sách của TS mai Thanh Truyết lúc nhà văn Phạm Phú Minh giới thiệu về tác phẩm

Nhà văn Phạm Phú Minh kết luận: “Ðây là một cuốn sách soi sáng cho những kẻ trách nhiệm và nhắc nhở đến đạo lý của con người.”

Sau những lời giới thiệu tác giả và tác phẩm của Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên và nhà văn Phạm Phú Minh, ông Ðinh Quang Anh Thái trong ban tổ chức đã mời một số người tham dự phát biểu ý kiến, cùng thảo luận với tác giả.

Trong dịp này, cô Yvonne, một trong số ít ỏi phụ nữ có mặt cho phóng viên Người Việt biết: “Dù sống ở hải ngoại vấn đề môi trường đã được bảo vệ, nhưng là người Việt khi nhìn về trong nước thấy môi trường sống của dân mình bị độc hại, không khỏi không lo lắng vì đó là bà con thân nhân, rồi con cháu mình mai này. Tiến Sĩ Truyết là một người xung phong lên tiếng về sự nguy cấp này để mong cấp báo cho đồng bào mình ở trong và ngoài nước, đồng thời đòi hỏi nhà cầm quyền phải có trách nhiệm.”

Bác Sĩ Phạm Gia Cổn, một trong những võ sư đang có những lớp dưỡng sinh cho đồng hương tập dượt bảo vệ sức khỏe bày tỏ: “Không chỉ riêng tôi mà nhiều người đã theo dõi vấn đề môi trường ở VN. Sở dĩ được nhiều người quan tâm vì nó liên hệ đến sức khỏe của mọi người không chỉ trong thế hệ này. Tiến Sĩ Truyết đã làm một công việc rất bổ ích. Nó không chỉ giúp cho người dân trong và ngoài nước về một hiểm họa mà người dân Việt đang phải chịu mà cuốn sách lại như một lời đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải có trách nhiệm. Nhưng như chúng ta đã biết, cộng đồng chúng ta đã nhiều lần lên tiếng về nhiều vấn đề đối với CSVN nhưng vấn đề là CSVN có quan tâm hay không, có đủ khả năng hay không cũng như họ có muốn làm hay không. Tuy nhiên, cuốn sách rất có ích vì một khi người dân hiểu được vấn đề hiểu được sự an nguy cho mình, tất phải tìm cách sống sao cho thích hợp và biết phải tranh đấu đòi hỏi những người có trách nhiệm.”

Nguyên Huy

…………………

TS Mai Thanh Truyết đặt vấn đề “tâm và đức” với hội VABA và Doanh gia David Dương

LTS: Tiến sĩ Mai Thanh Truyết thường xuyên có mặt tại các sinh hoạt quan trọng trong công đồng.  Trước năm 1975, ông từng du học tại Pháp, ngành hóa học hữu cơ cơ cấu, và trở thành tiến sĩ về làm việc tại Việt Nam. Ông đến Hoa kỳ vào năm 1983, theo diện thuyền nhân. Hiện nay, ông đang đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch đảng chính trị Đại Việt Quốc Dân Đảng. Nhân dịp sắp ra mắt sách “Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam,” thứ Bảy, 19 tháng 2 năm 2011, ông đã dành cho Việt Weekly buổi tiếp xúc, nội dung được ghi lại dưới đây.

VW: Tiến sĩ Mai Thanh Truyết cho biết về môi trường Việt Nam hiện nay?Tiến sĩ Mai Thanh Truyết (MTT): Vào ngày 19, tôi sẽ ra mắt cuốn sách viết về “Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam,” tập trung vào các khía cạnh môi trường tại Việt Nam sau năm 1986, đồng thời nêu ra những đề nghị về hướng giải quyết những trở ngại còn đang vướng mắc.

VW: Tiến sĩ cho biết về những kinh nghiệm đã có được về môi trường trong thời gian trước đây?

MTT: Đây cũng là một cơ duyên tôi có những kinh nghiệm thu được qua việc làm, nhất là về vấn đề rác trước năm 1975. Năm 1973, khi trở lại Việt Nam sau những tháng ngày dài du học tại Pháp, tôi cùng dân biểu Nhữ Văn Úy làm ra một dự án về xử lý bãi rác để biến thành rác compost tại Hóc Môn. Dự án chúng tôi đệ trình đã trở thành việc làm của công ty Đông Thạnh tại Saigon trong thời kỳ cộng sản chiếm đóng sau năm 1975.

VW: Như vậy tiến sĩ đã góp tay dọn dẹp rác làm sạch môi trường vào thời điểm trước năm 1975 tại Việt Nam?

MTT: Ngay trong thời giam bị cầm tù sau 75, cá nhân tôi cũng đã gợi ý về vấn đề môi trường chung về nước, đất và rác. Khi qua Mỹ, sau thời gian thực tập hậu tiến sĩ về hóa học và sinh vật học, tôi được làm việc trong công ty rác, có thể nói lớn nhất nước Mỹ đó là Waste Management, phụ trách phần xử lý các rác phần thể lỏng, rắn và trông coi phòng hóa chất công ty kể từ năm 1987. Đặc biệt, tôi đã phụ trách để công ty mở thêm công ty phụ trách phần xử lý rác và đã điều hành gần 20 năm qua tại West Covina.

VW: Ông làm việc và sống tại Mỹ, làm thế nào ông theo dõi cụ thể, thực tế những vấn đề rác, môi trường tại Việt Nam hiện nay?

MTT: Ngay từ những thời điểm đầu thập niên 1990, khi làm việc trong lãnh vực môi trường, tôi đã từng lục lọi, tìm hiểu những luật lệ về EPA (cơ quan bảo vệ môi trường). Môi trường là một trong những vấn đề cốt lõi cho việc phát triển Việt Nam, song song với giáo dục và y tế. Chính vì lý do đó, hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam dành mọi nỗ lực tập trung nghiên cứu vào ba lãnh vực trên. Nhờ vậy, tôi thâu nhập được những gì gọi là cải thiện môi trường tại Việt Nam hiện nay và đang tiến hành như thế nào. Từ đó, nhắm vào những gì có thể đóng góp được cho người dân Việt Nam trong những tháng ngày sắp đến.

VW: Tại Saigon, một công ty đang phụ trách phần xử lý và chế biến rác do một doanh nhân người Mỹ gốc Việt làm chủ, ông David Dương, còn đảm nhiệm chức chủ tịch Hiệp Hội Doanh Gia gốc Việt gọi tắt là VABA. Tiến sĩ có khi nào theo dõi công việc làm của công ty do ông David Dương phụ trách tại Việt Nam không?

MTT: Mới đây, do tình cờ có gặp ông David Dương, tại đài VHN trong chương trình “Meet Press,” do ông Trần Văn Chi phụ trách. Trong quá khứ, tôi đã đọc dự án của ông David Dương về rác tại Saigon vào năm 2005. Tôi cũng có nhiều bài viết về vấn đề này. Đặc biệt trong sách “Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam,” tôi đã cố dành nguyên một chương (Chương 11), để trình bày về công ty đa hợp Đa Phước do ông David Dương làm tổng công trình sư.

VW: Là người quan tâm đến môi trường xử lý rác tại Việt Nam, ông đã biết việc thành lập công ty Đa Phước từ năm 2005. Có khi nào ông liên lạc cùng công ty Đa Phước để cùng trao đổi hoặc xa hơn có thể làm việc với công ty này nhằm mục đích phát triển, bảo vệ môi trường cho người dân Việt, nhất là tại vùng Hóc Môn, Củ Chi quê hương của ông?

MTT: Cám ơn anh về câu hỏi này. Đó cũng là một vấn đề của chúng tôi. Trong giai đoạn này, rất nhiều chuyên viên khoa học kỹ thuật đặc biệt trong nghành rác như Tiến sĩ Lê Thị Lan, một trong tổng công trình sư bãi rác Đông Thạnh đã qua đây trao đổi cùng chúng tôi về một vài kỹ thuật và một vài khuyến cáo, đồng thời mời mọc chúng tôi góp ý. Chúng tôi đã trả lời rất thẳng thắn, vấn đề rác rến của Việt Nam đã xảy ra trên 20 năm nay, thực tế đã gây ảnh hưởng lớn đến vệ sinh an toàn cho người dân. Là người Việt chúng tôi rất quan tâm, tuy nhiên thiết nghĩ chỉ có thể đóng góp hoặc cố vấn một số kỹ thuật, với tư cách cá nhân. Vì trong điều kiện hiện nay chúng tôi nhận thấy sự kiện chính trị giữa Việt Nam và người Việt hải ngoại chưa thuận tiện để phối hợp và đóng góp.

VW: Vấn đề Việt Nam đã trải qua gần 36 năm. Lẽ dĩ nhiên phần lớn đều tôn trọng quan điểm chính trị của từng cá nhân, đảng phái, tổ chức. Nếu một mai kia có những thảm cảnh dịch xảy ra tại Việt Nam, do hậu quả không làm tròn việc xử lý rác gây ô nhiễm môi trường. Với trình độ giáo dục cao, ông có thấy trách nhiệm về sự thiếu sót khi làm ngơ trước sự việc đã xảy ra, gây những hậu quả nghiêm trọng cho người dân và những chỉ trích đến từ công luận quốc tế không?

MTT: Lẽ dĩ nhiên trách nhiệm tôi đã đặt ra trước đây, bằng cớ tôi đã tập trung vào những vấn đề môi trường tại Việt Nam trên 20 năm nay. Sỡ dĩ tôi chưa thấy hướng để tìm được sự hợp tác cụ thể cùng Việt Nam hiện nay. Thứ nhất Việt Nam, dù chưa đề cập đến cơ chế, não trạng, chỉ đơn thuần điều kiện làm việc chưa được trong suốt để thực hiện cuộc trao đổi về thuần túy kỹ thuật, nhằm mục đích đem lại phúc lợi cho người dân. Chính vấn đề này đã làm ray rứt không ít trong tôi. Tuy nhiên, việc trọng tâm chuyển tải những tin tức qua báo chí, internet, paltalk nhằm hy vọng người dân và giới hữu trách tại Việt Nam nắm bắt rõ được vấn đề luôn đã xảy ra ngay cả những trao đổi trên tư cách cá nhân với những nhà khoa học tại Việt Nam, từ đó họ có thể chuyển đổi một số suy nghĩ của nhà cầm quyền cộng sản hiện tại.

VW: Đối với công ty Đa Phước do ông David Dương đang điều hành tại Việt Nam, ông có điều gì muốn nói không?

MTT: Khi tôi thấy được dự án do công ty liên hợp Đa Phước của ông David Dương đệ trình tại Việt Nam từ năm 2005, tức thời cá nhân tôi đã viết vài bài phân tích vấn đề đó. Việc công ty Đa Phước cho rằng đầu tư phối hợp với ủy ban nhân dân thành phố Saigon để thành lập công ty liên hợp, điều này cho thấy có nhiều nhà máy sẽ xây dựng. Đầu tiên sẽ là nhà máy thu lượm rác gồm những rác thủy tinh, carton, túi nylon, rác hữu cơ rồi sau đó được tái chế qua các nhà máy, đặc biệt có cả nhà máy biến chế thành compost nhằm xuất cảng qua các nước Đông Nam Á, sau đó thiết lập một bãi rác theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, có nghĩa là có tối thiểu 5 hoặc 7 những tầng lớp để ngăn chận nước rỉ nhập vào hệ thống nước ngầm, đồng thời xây dựng những giếng quan trắc để hút những nước rỉ đưa vào nhà máy chánh gọi là nhà máy xử lý nước thải, để biến nước thải dơ thành những nước sử dụng trong việc tưới tiêu. Ngoài ra, khí methane do các bãi rác đưa ra thành những nguồn năng lượng như điện cho nhà máy. Đó là những chu trình chính xử lý nước thải tại Hoa Kỳ.

VW: Theo ông, dân chúng Saigon hưởng được những gì tích cực hay gánh chịu những tiêu cực từ công ty Đa Phước?MTT: Theo như dự án này, vào tháng 10 năm 2007, công ty Đa Phước phải hoàn toàn khánh thành những dự án này, dĩ nhiên trong suốt thời gian xây dựng công ty được trưng dụng đất đai, nhà đất bà con nông dân trong khu vực Bình Chánh. Diện tích này lên đến 20 mẫu đất, tương đương với 44 acres tại Mỹ. Ngay ngày khai trương, nếu chúng tôi nhớ không lầm xảy ra vào tháng 11 năm 2007, chủ tịch Lê Thanh Hải đã tuyên bố, từ đây thành phố chúng ta sẽ không còn giải quyết các vấn đề về rác nữa. Nhưng sự thật lời nói này hoàn toàn láo khoét không phù hợp với thực tế. Chính năm 2009, một ủy ban thuộc sở nghiên cứu môi trường và ủy ban nhân dân thành phố đã đặt vấn đề cùng ông David Dương, trong đó nêu lên gần 20 các hạng mục các công trình ông David Dương không thực hiện. Các bãi rác trong khu liên hợp Đa Phước chỉ có một bãi rác duy nhất, có một lớp nylon HDPE được dùng để chứa rác, và bãi rác lộ thiên không có vấn đề xử lý nước rỉ nên nước đã rỉ ra đồng, do đó xảy ra sự kiện xe rác bị dân chúng chận nhiều lần khi làm việc. Các kênh rạch kề cận hoàn toàn bị hủy diệt. Chúng tôi có video dẫn chứng từ phòng họp thành phố Saigon do người bạn từ Saigon mang qua, sẽ phổ biến khi có dịp.

VW: Thời gian từ năm 2007 đến nay đã gần 4 năm, ông có ghi nhận những công trình hoạt động cải thiện những thiếu sót của công ty Đa Phước không?MTT: Hoan toàn không, tính từ buổi họp năm 2009. Tin tức gần đây nhất, tôi viết vào tháng 6 năm 2010, tất cả những sự kiện vẫn là “vũ như cẩn” vẫn như cũ. Hiện tượng xe đổ rác chảy nước từ đầu đường vào khu trung tâm hơn 1 cây số. Sự kiện dân chúng chung quanh hứng chịu mùi hôi thúi vẫn kéo dài liên tục suốt 24 tiếng đồng hồ. Hệ thống nước ngầm ở khu vực này bơm dành cho sinh hoạt người dân trong gia đình đã bị ô nhiễm. Mặc dầu, tôi không có điều kiện đo đạc mực độ ô nhiễm, tuy nhiên theo báo chí tại Saigon, mức ô nhiễm như manganese, sắt, một số có hóa chất bảo vệ thực vật nằm trong nước sinh hoạt đi vào gia đình. Điều này chứng tỏ chung quanh khu vực khu Gò Cát, khu vực Đa Phước, mạch nước ngầm được dân chúng sử dụng sinh hoạt đều bị nhiễm độc.

VW: Ông có ghi nhận những phản ứng tiêu cực của công ty Đa Phước từ phía dân chúng, báo chí, và giới chức cầm quyền không?MTT: Rõ ràng qua buổi điều trần vào tháng 10 năm 2010 cho thấy, sở môi trường của thành phố Saigon đặt vấn đề rất rõ và những đại biểu của hội đồng nhân dân thành phố Saigon đều đặt vấn đề rất rõ với ông David Dương, nhưng ông Dương trước buổi điều trần chỉ đưa ra những lời hứa. Tuy nhiên, đằng sau những lời hứa đó công việc xảy ra như thế nào, chỉ là câu hỏi? Tuy nhiên, chỉ có công ty Đa Phước hàng ngày vẫn đi nhận trên 3,000 tấn rác, vẫn như thường lệ.

VW: Thái độ báo chí Saigon như thế nào?MTT: Báo chí Saigon đặt vấn đề rất nhiều. Trong một video clip tôi có được, chính một đại diện báo chí nêu vấn đề, đồng thời đưa ra bằng chứng về hiện tượng ô nhiễm tại Đa Phước làm cây cỏ chung quanh, nước trong vùng và những đồ vật sử dụng trong nhà ngay cả các máy TV, radio đều bị hiện tượng rỉ sét và thời gian tồn tại chỉ có vài tháng mà thôi. Tôi coi đó là những phản ứng tích cực từ phía quần chúng, dù chính quyền đến hôm nay vẫn giữ thái độ im lặng. Có thể trong thời kỳ đại hội đảng họ chỉ tập trung vào việc củng cố vững chắc chiếc ghế họ đang nắm giữ.

VW: Nếu ảnh hưởng trực tiếp đến dân chúng trong vùng, ông có ghi nhận những phản ứng chống đối từ phía dân chúng tại khu vự Đa Phước không?

MTT: Thưa có. Rất nhiều lần dân bỏ ra đường những thùng phi làm chướng ngại cản trở những đợt xe tải rác của công ty Đa Phước khi di chuyển qua khu vực sinh sống của họ. Nhưng rất tiếc bộ phận công an và chính quyền tại địa phương đã tiếp tay giải tán, dẹp bỏ những chống đối từ phía người dân.

VW: Nếu có điều kiện ông sẽ làm gì?MTT: Chuyện công ty Đa Phước chỉ là một trong những trường hợp điển hình. Nếu chúng ta thay đổi Đa Phước bằng những Cần Thơ, Nha Trang… sự kiện xảy ra các nơi đó cũng như tại Đa Phước chúng ta đang bàn đến. Tôi nghĩ rằng khi cuốn sách của tôi công khai phát hành, hy vọng những người tại Việt Nam có lưu tâm nhận được sự chuyển tải tư liệu này theo đường dây riêng, nắm bắt được vấn đề, thế nào cũng có những chuyển hướng tích cực, dù trong bước đầu có những khó khăn cho giới lãnh đạo phải lưu tâm đến đời sống an toàn vệ sinh cho người dân. Đây chính là điểm trọng yếu cho việc phát triển Việt Nam trong tương lai.

VW: Về hội VABA đã nói rằng luôn lắng nghe những đóng góp của người Việt hải ngọai, đặc biệt trong giới doanh thương. Là người nắm bắt nhiều về rác, ông muốn nói gì cùng ông David Dương?

MTT: Đối với ông David Dương cũng như các doanh thương của VABA, tôi cho rằng việc làm này là của cá nhân của ông ta. Tôi thiết nghĩ bất cứ làm công việc gì, vấn đề lợi nhuận kinh tế vẫn là chủ trương hàng đầu. Tuy nhiên, hy vọng tất cả đều chú trọng vào tâm, đức. Tâm lành làm việc tốt chứ không phải việc mượn đầu heo nấu cháo.

VW: Ông đưa ra những lời cụ thể hơn được không?MTT: Chúng tôi nói thẳng, dự án có gần chục nhà máy. Công ty Đa Phước dự phần cho chi phí gần $200 triệu dollars. Việc công ty Đa Phước đã hoạt động thâu hồi rác từ năm 2007 đến bây giờ nhưng chưa thiết lập được một nhà máy xử lý tối thiểu nước rỉ, nếu không nước rỉ sẽ tràn vào sông rạch, thấm vào mạch nước ngầm. Điều này là việc làm vô ý thức dù hoàn toàn vô chính trị, tuy nhiên không bình ổn với một con người, dù là một thương gia. Tối thiểu cơ chế để xây dựng một bãi rác, việc đầu tiên phải là hệ thống thu hồi nước rỉ. Vì bãi rác chỉ cần động lại trong vài ngày là sẽ có hàng trăm phản ứng trong rác xảy ra và sẽ tạo ra nước rỉ. Tránh việc tràn ra sông rạch và thâm nhập nước ngầm như hiện tượng đang xảy ra tại công ty Đa Phước. Đó là niềm thao thức của chúng tôi những người tạm gọi là trí thức hải ngoại. Quá khứ cho thấy, Việt Nam đã nhận nhiều viện trợ từ Thụy Điển, Đan Mạch dành cho việc xử lý nước rỉ từ rác. Như bãi rác Đông Thạnh nhận được đến $32 triệu Mỹ kim nhưng chỉ hoạt động trong vòng vài 3 tuần lễ vào năm 2002. Thử hỏi số tiền đó đi về đâu? Xử lý nước rỉ lộ thiên qua việc bốc hơi bằng ánh sáng mặt trời, thật là một điều khó có thể nghĩ đến trên bình diện khoa học.

VW: Ngoài việc giải quyết nước rỉ, ông còn quan tâm đến điều gì nữa không?MTT: Ngoài xử lý nước rỉ, cần nghĩ đến vấn đề mùi hôi và khí metal bốc ra.

VW: Hai vấn đề này, công ty Đa Phước đã đạt tiêu chuẩn đề ra chưa?MTT: Hoàn toàn không vì người dân chung quanh khu vực vẫn bị ngửi mùi ô uế bốc ra từ đây. Các bãi rác tại Mỹ, nếu có cơ hội anh thăm viếng, không một mùi ô uế nào bốc ra cả.

VW: Ông so sánh các bãi rác tại Mỹ và các bãi rác tại Việt Nam có công bằng không?

MTT: Dù Việt Nam hay Hoa Kỳ vấn đề xử lý rác chẳng có gì là khác biệt, việc này không đòi hỏi các kỹ thuật cao siêu như chúng ta nghĩ, việc này đã trở thành thông thường trên các quốc gia trên thế giới. Điểm chính là có quan tâm để bảo vệ an toàn vệ sinh cho người dân hay không mà thôi. Như tôi đã đích thân xây dựng nhà máy xử lý nước rỉ ngày nay tôi đang làm việc. Thời gian xây dựng chỉ 3 năm và tổn phí chỉ có $5 triệu Mỹ kim, vào thời điểm 1986. Hiện nay với số lượng nhân viên làm việc điều hành nhà máy chỉ lên đến 10 người mà thôi. Với kiến thức của tôi, con số rò rỉ nước rỉ từ công ty Đa Phước hiện nay có thể lên đến triệu gallons mỗi ngày. Vấn đề rò rỉ này không đòi hỏi trình độ của một tiến sĩ để nắm bắt, ai cũng có khả năng làm được. Vấn đề chính vẫn là muốn làm hay không? Dĩ nhiên các sinh hoạt lớn bé đều cần đặt nặng vấn đề tài chánh. Theo tôi, việc xây dựng nhà máy xử lý nước rỉ của Đa Phước không ngoài khả năng tầm tay của họ.

VW: Ông muốn nói gì với nhà cầm quyền Việt Nam ngày nay?MTT: Đã 20 năm nay, tôi đã đề cập dù gián tiếp, tương lai Việt Nam hoàn toàn không lệ thuộc vào các sân golf được mọc lên, hay các khách sạn xa hoa, không phải đo được do ngân sách quốc gia càng ngày càng tăng. Điều kiện sinh sống của 80 triệu người Việt Nam bao gồm các lãnh vực y tế công cộng, giáo dục, môi trường cần được ưu tiên giải quyết. Nếu những người cộng sản muốn có tầm nhìn xa họ phải nhận thức vấn đề này.

VW: Cám ơn tiến sĩ Mai Thanh Truyết về những trao đổi hôm nay.

ĐOÀN TRỌNG

………………..

Đọc “Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam“

Vào tiền thế kỷ 21 ngày hôm nay dù bất kỳ một cá nhân, một nhóm nghiên cứu hay một chính phủ nào một khi muốn nghĩ đến chương trình phát triển quốc gia đều bắt buộc phải chú ý đến phần bảo vệ môi trường sống cho người dân. Thực tế cho thấy, tầm nhìn xây dựng và bảo vệ môi trường trong chương trình phát triển đất nước càng rộng thì quốc gia đó sẽ đạt được một nền kinh tế vững mạnh, đời sống người dân thật sự được bảo đảm.

Trước đây chừng vài thập kỷ, ngay tại Âu châu, trong khi ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân được xem như là một trong những điểm ưu tú của nền văn hóa của họ thì chính phủ các nước đương thời lại tỏ vẻ lơ là, không đưa ra đươc một chính sách bảo vệ môi trường mang tính đột phá. Các đảng „Xanh“ trổi lên mạnh tại Âu châu trong thời gian này cũng chính là nhờ đã có tầm mắt nhìn thấy trước nguy cơ cho đất nước một khi môi trường sống không được bảo vệ đúng mức. Tiền đề đưa ra đúng nhưng tiếc thay các đảng Xanh chỉ có khả năng „tiên tri“ nhưng thiếu khả năng giải quyết vấn đề.

Ngày hôm nay, rút được kinh nghiệm, học hỏi từ những khiếm khuyết trong thời gian qua các đảng phái chính trị dù từ khối bảo thủ, xã hội sang đến khối cởi mở tự do… Bảo vệ môi trường là một trong những điểm chính trong các chương trình nghị sự. Bảo vệ môi trường ngày nay mang tầm chiến lược quan trọng nhất trong vấn đề phát triển kinh tế. Không những chỉ giúp con người có cuộc sống tốt hơn mà Bảo vệ môi trường lại còn là „cái máy“ tạo công ăn việc làm, giải quyết nạn thất nghiệp, góp phần phát triển kinh tế quốc dân.

Kể từ năm 1975, sau khi đất nước im tiếng súng, với nhiều thiện cảm của quốc tế nhiều cơ hội phát triển đất nước được mở ra, vận hội mới đã ở trong bàn tay nhưng nhà cầm quyền đương thời Việt Nam lại thực hiện sai lầm từ chính sách này sang chính sách khác. Một trong những sai lầm lớn lao nhất là nhà nước Việt Nam đã không có tầm nhìn cũng như không có khả năng đánh giá sự quan trọng về một môi trường sạch. Họ cũng để vuột mất cơ hội là ngay từ đầu khi điều kiện về dân số còn cho phép, không đưa ra được một chính sách đúng đắn để tái phối trí các thành phố một cách hợp lý hơn để người dân có được môi trường sống và làm việc tốt hơn so với những gì đang xảy ra ngày hôm nay. Sai lầm về chính sách bảo vệ môi trường vẫn được tiếp tục sau khi nhà nước Việt Nam tự nhìn thấy nguy cơ sụp đổ để bước sang giai đoạn „Đổi Mới“. Từ đó đến nay điều không thể chối cãi là nền kinh tế Việt Nam thăng hoa so với vài thập niên trước nhưng tiếc thay môi trường sống của người dân cũng bị phá hủy theo một tiến độ không kém. Say mê chạy theo những con số thành quả đạt được về mặt kinh tế nhà nước Việt Nam làm ngơ không chú trọng đến những tác hại môi trường, hậu quả của một chương trình phát triển kinh tế khập khễnh, không có chiều sâu. Chưa kịp thụ hưởng một nền kinh tế phát triển người dân lại phải đối đầu, phải sống và chấp nhận một môi trường độc hại luôn bao phủ chung quanh. Mở mắt ra là thấy rác dơ bẩn, hơi thở đầu tiên trong ngày là khí độc, tiếng động âm thanh gầm rú bao trùm toàn bộ không gian sống. Những bãi rác kỹ nghệ, rác bệnh viện độc hại, những làng Ung thư, những giòng sông chết Nhuệ Giang, Thị Vải, Sông Bé, sông Vàm Cỏ, suối Nước Trong, sông hồ tại hai thành phố Hà nội và Sài gòn v.v…, ô nhiễm nguồn nước, nước thải bệnh viện, ô nhiễm chung quanh các khu công nghiệp khu chế xuất, thành phố ngập lụt do ống cống ngập rác, giao thông tắt nghẹt khói bụi mù trời, rừng cây bị bức tử được nêu lên hàng ngày trên các nguồn thông tin trong nước cho thấy nhà nước đang bó tay, không có khả năng giải quyết vấn nạn sinh tử này. Cộng thêm vào đó những quốc sách được đưa ra vì mối lợi riêng nhưng gây thiệt hại môi trường với mức độ không lường trước được như cho thuê khai phá rừng đầu nguồn, khai thác Bô Xít trên vùng Cao Nguyên.

Bức xúc với tình trạng môi trường bị phá hoại, ô nhiễm, không ít cá nhân, tổ chức, báo chí ở trong và ngoài nước cũng đã gióng lên những tiếng chuông nhằm cảnh tỉnh nhà chức trách Việt Nam. Một trong những tiếng nói phản biện về mặt Bảo vệ môi trường Việt Nam có Tầm có Tâm và kiên trì nhất là TS Mai Thanh Truyết. Là một chuyên gia hiện đang nắm giữ những trách nhiệm quan trọng về môi trường, ngành tái tạo rác và xử lý nước thải tại Mỹ. Ông có đủ điều kiện chuyên môn để phân tích những bất cập trong cách giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của nhà nước Việt Nam. Như để cùng chia sẻ với nỗi đau của người dân phải sống trong một môi trường độc hại ông kiên trì gióng lên những tiếng chuông cảnh tỉnh từ hàng năm qua thông qua làng báo tại hải ngoại. Nhằm hệ thống hóa để gây được tác động mạnh hơn TS Mai Thanh Truyết đào sâu vào vấn đề hơn nữa cũng như nhằm giúp cho thế hệ hai, ba tại Hải ngoại thấy rõ được vấn nạn môi trường trong nước hầu tìm ra lối giải quyết thích hợp nay ông chuẩn bị cho ra đời tập sách „Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam“ với phụ chú Anh ngữ.

Với khả năng chuyên môn qua „Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam“ tác giả đào sâu vào vấn đề, giúp người đọc có cái nhìn chuyên môn hơn khi tìm hiểu các vấn nạn môi trường đang gây nhức nhối tại quê nhà.

Qua „Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam“ người đọc nhận ra khả năng chuyên môn yếu kém mà lại không có Tâm trong việc giải quyết nạn rác điển hình qua Bãi Rác Đông Thạnh“, tình trạng ô nhiễm ở Khu Liên Hợp Đa Phước“, Rác Sài Gòn“, những tắc trách thiếu trách nhiệm trong việc quản lý „Chất phế thải rắn ở Việt Nam“, „Phế thải y tế“, „Nhập cảng phế thải độc hại vào Việt Namcủa chính quyền Việt Nam.

Không chỉ nói chung chung tác giả dựa vào lý thuyết, phân tích rõ ràng giúp người đọc hiểu rõ ngọn nguồn chất độc Arsenic tức Thạch Tín. Đây là chất độc bị nghi ngờ đang có trong chén dĩa sành sứ đến từ Trung quốc. Đọc „Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam“ mới thấy thảm nạn „Ô Nhiễm Arsenic đã từng xảy ra tại West Bengal và Bangladesh chẳng bao lâu nữa cũng sẽ được lập lại tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và vùng hạ lưu sông Hồng. Một điểm tích cực đáng quý khác là tác giả không chỉ „khươi vết thương“ mà ông lại còn bỏ công nghiên cứu để tìm ra một lối giải quyết thích hợp nhất cho các địa phương „… Người viết đã tìm ra và chứng minh được rằng phương pháp dùng sulfate đồng (II) (CuSO4) có thể áp dụng trong việc truy tìm arsenic trong nguồn nước ở Việt Nam. Phương pháp nầy tương đối giản dị, dễ sử dụng, và nhất là rẻ tiền rất thích hợp với tình trạng của nông dân ĐBSCL….“

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là một trong ưu tư của tác giả. Ông là người từng được độc giả yêu mến cho là „Đọc bài của ông TS Truyết là hết muốn ăn“. Dĩ nhiên trong „Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam“ cũng không thể bỏ qua phần tìm hiểu để báo động cùng người đọc mức nguy hại về thực phẩm hiện nay tại Việt Nam. Qua các bài viết như „Thực phẩm Việt Nam“, Vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Namtác giả không những chỉ cho thấy mối nguy hại cho người tiêu thụ thực phẩm mà ông còn đưa ra những gợi ý trong việc quản lý Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm: “… Đứng trước tình trạng không kiểm soát VSATTP ở Việt Nam như hiện nay, một số đề nghị sau đây hy vọng được lắng nghe ngõ hầu hạn chế được một phần nào nguy cơ nhiễm độc thực phẩm: Trước hết, cần phải truy diệt tận gốc nguồn cung cấp hoá chất, các loại kháng sinh bị cấm xử dụng trong thực phẩm, cùng các phẩm màu độc hại v.v…

Là một chuyên gia về môi trường và cũng lại là người lo lắng cho an ninh Tổ quốc dĩ nhiên tác giả Mai Thanh Truyết cũng tập trung „đánh“ vào chủ trương dựa vào Trung quốc để khai thác Bô Xít trên vùng Cao Nguyên Trung phần của nhà nước Việt Nam. Những phân tích chuyên nghiệp, những con số đáng tin cậy của một chuyên gia về ngành Hóa, qua các bài viết mang tính Hàn Lâm như „Việc khai thác quặng Bauxite ở Việt Nam“, „Bauxite: Vấn đề bảo tồn Văn hóa và Sắc tộc người thiểu sốtác giả đưa ra một bức tranh u ám về môi trường mà người dân địa phương sẽ phải gánh chịu trong tương lai.

Ngoài ra những bài viết như là Góp ý về việc sử dụng hóa chất ở Việt Nam“, „Giải quyết ô nhiễm“, „Phương án xử lý phế thải lỏngtrong „Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam“ thể hiện tính tích cực, cho thấy cái Tâm của tác giả luôn luôn đặt lợi ích người dân lên trên tất cả.

Tùy theo quan điểm chính trị, người đọc „Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam“ có thể phê phán tác giả có những cái nhìn về nhà nước Việt Nam quá cực đoan hoặc cũng có thể cho rằng „Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam“ là một viên gạch lót đường quý giá trong tiến trình dân chủ hóa đất nước. Với 25 bài viết mang tính chuyên môn cao, nói ngay nói thẳng, „Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam“ không phải là một cuốn sách dễ đọc cho mọi người. Nhưng những ai đang ưu tư cho tương lai nước nhà, ưu tư cho đời sống người dân trong nước, ưu tư cho môi trường ngày càng bị tàn phá, những ai đang điều hành đất nước mong muốn đưa cuộc sống người dân ngày một tốt hơn, những ai muốn tìm một lời giải đáp, một mách bảo cần thiết để giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện nay tại Việt Nam thì „Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam“ lại là một cuốn sách không thể thiếu.

Phương Tôn

Nạn xả rác nơi công cộng

Source dantrionline Rác ở thành phố ngày môt tăng và trong số rác này rất có thể có chất thải nguy hại .

Chuyện xả rác tại những nơi công cộng, nhất là vào những dịp hội hè, lễ lạc như vào thời điểm này, tiếp tục là một vấn nạn tại Việt Nam. Một trong những hình ảnh không đẹp mắt mà người xem báo có thể thấy được rất nhiều, đặc biệt qua những dịp qui tụ đông người tại Việt Nam đó là cảnh rác rưởi tràn lan do nhiều người vứt bỏ ra khi đến tham gia các sinh hoạt chung như thế.

Đó là vào những kỳ đặc biệt, còn thường ngày thì chuyện xả rác tại những nơi công cộng, công tác thu gom rác, xử lý rác vẫn là vấn đề mà bao người Việt Nam trăn trở như phát biểu cuả một thanh niên sinh sống ngay tại thủ đô Hà Nội như sau:

“Rác thải tại thành phố đang là vấn đề… rác đầy lên sau những lễ hội. Thậm chí tại những nơi như Hồ Gươm, người đến đó tham quan, ăn uống tại đó rồi vứt luôn ra. Các hồ tại Hà Nội hiện cũng bị ô nhiễm với nhiều loại rác thải như túi ‘bóng’, đủ thứ… bánh trái ăn xong vứt xuống đó.”

Thậm chí tại những nơi như Hồ Gươm, người đến đó tham quan, ăn uống tại đó rồi vứt luôn ra. Các hồ tại Hà Nội hiện cũng bị ô nhiễm với nhiều loại rác thải như túi ‘bóng’, đủ thứ… bánh trái ăn xong vứt xuống đó.

Một thanh niên Hà Nội

Một trong những nguyên nhân lâu nay được nói đến nhiều đó là do ý thức kém trong vấn đề giữ gìn vệ sinh chung cuả người  dân Việt Nam, nhất là khi so sánh với dân chúng tại những quốc gia phát triển khác.

Điều này được giáo sư Nguyễn Lân Hùng, giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Bảo vệ Môi trường tại Hà Nội, nhận xét như sau:

“Dù Nhà nước có qui định, nhưng giác ngộ cuả dân chúng từ một nước nông nghiệp đi lên công nghiệp cũng có mức độ. Người Việt Nam xuề xòa, nhiều bà con quen dùng nước bẩn…
Do đó bước chuyển lên cuộc sống mới không thể làm ngay một lúc được. Phải nhắc đến phong trào quan trọng cuả thanh niên tình nguyện ở tại cả thành phố lẫn nông thôn, thanh niên tham gia rất nhiệt tình; tuy nhiên vấn đề giác ngộ còn nhiều khâu phải nói.
Trước đây có phát động phong trào Ba xây – giếng xây, nhà xí, nhà tắm- mà nông thôn xưa chưa có. Nay nhà xí khá nhiều để giúp cho vấn đề vệ sinh. Nhưng đây là vấn đề còn phải làm tiếp.”

Rác cũng được đổ bừa bãi dọc một số xa lộ. Ảnh minh họa, AFP
Rác cũng được đổ bừa bãi dọc một số xa lộ. Ảnh minh họa, AFP

Ông này cũng cho rằng ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng kém như thế còn do hệ quả cuả công tác giáo dục trong vấn đề này tại Việt Nam:

Dù Nhà nước có qui định, nhưng giác ngộ cuả dân chúng từ một nước nông nghiệp đi lên công nghiệp cũng có mức độ. Người Việt Nam xuề xòa, nhiều bà con quen dùng nước bẩn… Do đó bước chuyển lên cuộc sống mới không thể làm ngay một lúc được.

GS Nguyễn Lân Hùng

Giáo dục có đưa vào chương trình, nhưng từ học đến làm chưa đầy đủ. Các cháu học rồi nhưng ý thức bảo vệ (môi trường) chưa tốt. Có thể dưới cấp mẫu giáo làm tốt lên đến các cấp trên ý thức càng bị phai nhạt đi. Cần phải làm lâu dài, nhưng biện pháp, hình thức làm cần phải tính.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng đổ lỗi hoàn toàn do ý thức cuả người dân trong vấn đề giữ gìn vệ sinh là chưa công bằng, bởi còn có lý do khác nữa đó là điều kiện, cơ sở hạ tầng để giúp người ta giữ gìn vệ sinh chung còn quá thiếu như phát biểu cuả anh Trần Xuân Việt, thành viên cuả CLB Hành Trình Xanh tại Hà Nội sau đây:

“Cơ sỡ hạ tầng tại một đố điạ bàn mà chúng tôi hoạt động như quận Thanh Xuân, quận Ba Đình…hệ thống thu gom rác chưa đầy đủ: thiếu người, thiếu xe rác; rồi những đợt thu gom trong ngày không dày, nên người dân khi có rác không biết vứt vào đâu; giờ thu rác mỗi ngày một lần cũng khó cho họ.”

Vấn đề nơi bỏ rác cho người dân cũng được người thanh niên tại Hà Nội chia xẻ: “Cũng có vài cái nhưng ở xa xa, nên người dân tiện tay vứt luôn ra. Người thu gom thì làm chưa thực sự chu đáo. Vấn đề đầu tư lớn, và qui hoạch tại thủ đô Hà Nội còn nhiều vấn đề bất cập.

Công tác xỷ lý rác?

Một vấn đề quan trọng khác là hiện nay tại Việt Nam thiếu các nhà máy xử lý rác cũng như công nghệ xử lý thô sơ cũng là nguyên nhân góp phần làm cho vấn nạn rác thải tại Việt Nam nói chung và tại thành phố thủ đô cuả đất nước còn gay gắt như hiện nay.

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng cho biết về điểm này: “Vấn đề xử lý rác còn kém, nhất là ở các điạ phương. Thành phố lớn có cố gắng, nhưng chưa chổ nào được như ở các nước tiên tiến tức rác vào phân ra ngày rồi chế biến. Việt Nam nhiều nơi vẫn theo phương pháp lấp ủ. Theo cách làm này đến một lúc hết chổ để lấp ủ. Đốt rác cũng rất nguy hiểm.
Chỉ có thể làm dần dần, vì Việt Nam vẫn còn thiếu tiền, không thể đầu tư lớn. ý thức thấy rồi nhưng phải dần dần.”

Một khi nói đến vấn đề xả rác nơi công cộng, thì nhiều người tại Việt Nam thường nêu lên tấm gương cuả Singapore, nơi mà mức phạt áp dụng đối với việc xả rác nơi công cọng rất cao, và thực tế tiểu quốc Sư tử này được đánh giá rất sạch sẽ. Còn ở Việt Nam thì biện pháp chế tài trong việc xả rác nơi cộng cộng chưa thể thực hiện được theo như ý kiến cuả anh thanh niên tại Hà Nội như sau:

“Việc vứt rác thải tại Việt Nam mà bị phạt như ở Singapore chưa có. Nếu phạt phải phạt từ trên xuống dưới, cả các quan chức nữa.”

Vấn đề xử lý rác còn kém, nhất là ở các điạ phương. Việt Nam nhiều nơi vẫn theo phương pháp lấp ủ. Theo cách làm này đến một lúc hết chổ để lấp ủ.

GS Nguyễn Lân Hùng

Tuy vậy trong nổ lực cùng giúp cho cộng đồng có thể trở nên sạch hơn với sự tham gia cuả người dân, CLB Hành trình xanh từ năm 2008 đã hình thành và đến với giới sinh viên tại các trường đại học qua những chương trình về môi trường.

Đó là các chương trình phổ biến kiến thức giúp bảo vệ môi trường sống từ những công việc đơn giản như giữ gìn vệ sinh, đến các hoạt động không làm tổn hại đến môi trường tự nhiên như bảo vệ cây cối, hệ sinh thái… CLB vào các ngày cuối tuần cũng đến các khu phố để cùng dân cư điạ phương làm sạch đường phố, cống rãnh…

Nạn rác ở các thành phố. AFP
Nạn rác ở các thành phố. AFP

Một trong những đề xuất được nêu ra cho việc giữ thành phố sạch được bạn Trần Xuân Việt trình bày:

“Công tác nâng cao nhận thức cộng đồng mà các câu lạc bộ làm khá hiệu quả. Các câu lạc bộ có đề xuất các cơ quan chính quyền, các sở ban ngành lắng nghe và quan tâm hơn đến các hoạt động cuả thanh niên.”

Khu vực ngoại thành Hà Nội hiện nay đầy rác thải, nhiều điạ phương đến nay không còn đất để làm nơi tập trung rác trước khi được chuyển về các khu chôn lấp. Tình trạng này khiến cho ô nhiễm gia tăng.

Tiền Phong online

Người thanh niên Hà Nội cũng có ước mong trong vấn đề xử lý rác thải cho thành phố như sau: “Cần có ý thức cuả người dân, qui hoạch hợp lý cuả thành phố và nhiều vấn đề khác…”

Hồi năm ngoái, thành phố Hà Nội khởi công xây dựng Nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, thuộc huyện Sóc Sơn. Công suất cuả nhà máy này được nói là 2000 tấn/ngày-đêm.

Hà Nội sau khi mở rộng có tổng diện tích lên đến 3300 kilômét vuông. Dân số Hà Nội chính thức được thống kê là hơn sáu triệu bốn trăm ngàn. Hà Nội hiện có năm khu chôn lấp chất thải rắn tập trung, tuy nhiên có ba khu sắp đầy. Lượng rác thải ra hằng ngày chừng 5000 tấn.

Mới hôm ngày 12 tháng 2 vừa qua, báo mạng Tiền Phong có bài cho biết khu vực ngoại thành Hà Nội hiện nay đầy rác thải, nhiều điạ phương đến nay không còn đất để làm nơi tập trung rác trước khi được chuyển về các khu chôn lấp. Tình trạng này khiến cho ô nhiễm gia tăng.