Cần bảo tồn Nghĩa trang quân đội Biên Hoà trong tinh thần hòa giải dân tộc

Posted on April 26, 2011

0



Một thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đến viếng mộ đồng đội cũ

Chiến tranh Việt Nam, kết thúc gần 36 năm nay, dù có được gọi là chiến tranh giải phóng, nội chiến hay chiến tranh bảo vệ tự do, thì hậu quả cũng đã là hàng triệu thường dân và binh lính của cả hai bên bỏ mạng và rất nhiều người chết mất xác.

Cho tới nay, thỉnh thoảng lại có tin tìm thấy hố chôn tập thể các bộ đội ở nơi này, nơi khác. Chẳng hạn như ngày 30/3 vừa qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đăk Lăk, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tiến hành khai quật một ngôi mộ tập thể mới được phát hiện, nghi là của lính đặc công hy sinh vào Tết Mậu Thân năm 1968. Hố chôn tập thể này do một người dân phát hiện trong khuôn viên Bến xe khách phía Nam thành phố Buôn Ma Thuột. Toàn bộ 12 hài cốt được đưa về Nhà tang lễ Nghĩa trang liệt sỹ Đăk Lăk.

Nhưng trong khi đó, bên phía những người thua trận, những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, cũng có nhiều hố chôn tập thể, nhưng không biết bao giờ mới được khai quật. Thậm chí nhiều nghĩa trang quân đội chế độ cũ bị phá hủy sau năm 1975. Chỉ còn lại duy nhất Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa.

Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, mà nay được gọi là Nghĩa trang Bình An, nằm ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, là nơi chôn cất hàng chục ngàn binh sĩ của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Được xây dựng từ năm 1965, Nghĩa trang Quân đội được dự trù chỗ cho 30 ngàn mộ phần. Tính đến năm 1975, đã có 16000 tử sĩ được chôn cất ở đây. Công trình này dự trù hoàn tất để khánh thành đợt đầu vào ngày 19/6/175, tức Ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng chưa kịp thì xảy ra biến cố 30/4. Sau thời điểm đó, Nghĩa trang Quân Đội cũng bị phá hoại dưới nhiều hình thức, nhưng nói chung vẫn tồn tại, dầu là trong cảnh tiêu điều.

Kể từ sau chiến tranh, nghĩa trang này nằm dưới sự quản lý của Quân khu 7, thuộc Bộ Quốc Phòng, cho nên trong một thời gian dài không ai được vào trong “khu vực quân sự” này. Đến tháng 11 năm 2006, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định “ đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 hécta đất khu nghĩa địa sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế-xã hội” và “ chỉ đạo việc quản lý khu nghĩa điạ Bình An bình thường như các nghĩa địa khác theo quy định của pháp luật”.

Khi nghe quyết định nói trên, những người quan tâm tâm đến số phận của Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa đã vừa mừng vừa lo. Mừng là vì kể từ nay có thể vào trong nghĩa trang này dể dàng hơn để thăm viếng, tu sửa mộ phần của người thân hay đồng đội; nhưng lo là vì không biết nghĩa trang này rồi có sẽ bị giải tỏa để lấy đất xây các khu công nghiệp hay khu nhà ở hay không.

Hiện nay, mối lo đó tạm thời không còn nữa, nhưng những ai đặt chân đến Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa đều ngậm ngùi trước cảnh tượng vẫn hoang phế của nghĩa trang này, ngoại trừ một số mộ phần đã được tu sửa và tiếp tục được chăm sóc.

Là một trong những người mà những năm gần đây vẫn tham gia vào việc thăm viếng, chăm sóc, tu sửa các mộ phần tử sĩ VNCH trong Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, ông Nguyễn Quang Hạnh, chủ tịch Hội Bạn của Thương binh Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp, mong muốn là chính quyền Việt Nam, trong tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc, nên bảo tồn nghĩa trang này như một di tích lịch sử. Sau đây mời quý vị nghe bài phỏng vấn ông Nguyễn Quang Hạnh:

RFI: Thưa ông Nguyễn Quang Hạnh, trước hết xin ông cho biết về hiện trạng của Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa hiện nay?

Nguyễn Quang Hạnh: Sau khi có sự bàn giao giữa quân đội với tỉnh Bình Dương về việc quản lý nghĩa trang này, việc ra vào thăm viếng dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho thân nhân vào tu sửa một số mộ phần và cho bà con Việt kiều có thể vào đây thăm thân nhân và chiến hữu. Từ đó đến giờ, nghĩa trang có khá hơn trước, nhưng vẫn chưa được tu sửa. Đa số mộ phần, mà thân nhân đã đi xa hoặc không ai biết, thì chỉ được đắp bằng đất và qua thời gian đã bị sụp, lở. Nhiều mộ bia sau 75 đã bị phá vỡ. Nói chung, tình hình đến bây giờ cũng chưa được khả quan mấy như sự trông chờ của người Việt trong và ngoài nước.

RFI: Chính quyền có tạo điều kiện dễ dàng khi có những gia đình muốn đến tìm hoặc chăm sóc mộ phần cho những người được chôn ở đấy?

Nguyễn Quang Hạnh: Tôi đã về nhiều lần, thời điểm gần nhất là tháng 10 năm ngoái. Lần đó, khi tôi vào, trên tỉnh có cho xe xuống cắt cỏ trong nghĩa trang, cho nên các mộ phần thấy sáng sủa hơn vì không còn bị cây che phủ. Nhưng cắt cỏ xong thì lộ ra nhiều mộ, nên cảnh sụp đổ càng thấy rõ ràng hơn.

Nghĩa trang này có diện tích theo tôi ước lượng là gần khoảng 30 hectare, trong đó có gần 29 ngàn mộ phần. Có một ban quản lý ở đó, khi mình vào thì họ cũng hỏi sơ sơ là vào làm gì, thì mình cũng bảo là vào thăm mộ. Vào trong đó thì mình thắp nhang, đi lại cũng dễ hơn là thời gian mà quân đội quản lý.

Nghĩa trang bây giờ, tôi ước lượng, rộng khoảng gần 30 hecta, trong đó có 29.000 mộ phần. Có một ban quản lý ở đó, khi mình đi vào cổng họ cũng hỏi sơ sơ, đi vào làm gì. Mình trình bày là đi vào thăm viếng mộ. Vào trong đó, mình thắp nhang, đi lại cũng dễ hơn hồi quân đội quản lý.

Trong đó, có những người không công ăn việc làm. Nếu mình muốn đắp mộ, sửa mộ gì đó, thì có thể trả tiền nhờ họ làm. Ngoài ra, tôi cũng thấy một số thân nhân vào sửa lại mộ của người thân. Những những mộ đó rất tốt, có đá rửa, xây rất kiên cố.

Tới bây giờ, trong đó còn hai mộ của hai vị tướng, tức là tướng Phước và tướng Ánh. Về cấp tá, có 6 mộ và 44 mộ cấp úy. Danh sách các mộ phần trong đó tôi có lưu giữ.

Gần đây, nếu mình vô làm mộ, thì có các giá cả sau đây : Hai triệu đồng, tiền Việt Nam thì xây theo kiểu mộ phần nghĩa trang thời Việt Nam Cộng Hòa, nghĩa là có một tấm đanh (trên bia mộ). Tám triệu thì xây vòng quanh mộ, đắp đất, ở trên có tấm đanh. Ngoài ra còn có cả giá 12 triệu và 24 triệu.

Theo tôi, tình hình cũng dễ dàng hơn hồi trước, nhưng số người chú ý đến việc làm trong nghĩa trang thì không được nhiều. Những mộ không có thân nhân còn quá nhiều.

RFI : Như ông nói lúc nãy, có một danh sách các vị sĩ quan cấp tướng, cấp tá, cấp úy, nhưng liệu chúng ta có một danh sách đầy đủ hơn của các binh sĩ chôn trong nghĩa trang này hay không, để từ đó các bạn bè, người quen, người thân có thể nhận ra, để đến đây chăm sóc mộ phần cho những người đó ?

Nguyễn Quang Hạnh : Danh sách thì tôi có đầy đủ, nhưng nhiều mộ không có bia hoặc sau 1975 bị đập phá. Có mộ chỉ có tên mà không có họ, hoặc có họ mà không có tên. Về danh sách, nếu cho tôi biết là mộ trong dãy mấy, hàng mấy, thì tôi cũng có thể tìm ra được.

RFI : Như vậy hiện nay, còn ít người quan tâm đến công việc như ông đang làm. Vào những ngày sắp kỷ niệm biến cố 30/4, ông có lời nhắn gởi gì, đặc biệt là đến người Việt ở hải ngoại, để góp phần vào việc tu bổ, chăm sóc và bảo vệ nghĩa trang quân đội này ?

Nguyễn Quang Hạnh : Tôi quan niệm rằng cuộc chiến đã đi qua 36 năm rồi. Nhà cầm quyền Việt Nam thì cũng đã nói hòa hợp hòa giải. Bên ngoài cũng có các hội đoàn, tổ chức kêu gọi tu sửa mộ phần. Chỉ có tranh luận về việc sửa thế này, sửa thế kia.

Tôi vẫn mong người Việt ở hải ngoại về thăm Việt Nam nên dành một thời gian ngắn năm ba tiếng đồng hồ vào thăm, thắp cho anh em một nén nhang, sửa một vài ngôi mộ. Tuy nhiên, số người làm như vậy chưa được nhiều. Thứ nhất, theo tôi, đây là chương trình lớn. Di tích này, theo tôi, là một di tích lịch sử. Tôi mong rằng nhà cầm quyền Việt Nam cởi mở hơn, tạo điều kiện cho bà con đến thăm viếng, tu sửa. Đây là việc thiêng liêng. Trong cuộc chiến Trung Quốc đánh Việt Nam tại những tỉnh biên giới, tàn sát người dân, tàn sát bộ đội, sau khi họ rút, lính họ chết, họ làm nghĩa trang ở trong đất mình, mà nhà cầm quyền bây giờ vẫn cứ tu sửa đẹp đẽ. Đến ngày lễ, chính quyền địa phương ở tỉnh đó đến dâng hương, dâng hoa. Trong khi đó, ở miền Nam, trước năm 1975, mỗi tỉnh đều có một nghĩa trang quân đội, nhưng bây giờ tôi nghĩ nghĩa trang ở các tỉnh không còn nữa. Chỉ còn duy nhất Nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Đó là nơi duy nhất, nên những người dân trong, ngoài nước, nhà cầm quyền phải có trách nhiệm. Cần phải để ý rằng đối với đồng bào ta, đó là chuyện linh thiêng, không thể để những mộ phần không có người chăm sóc bị phá hủy. Tôi chỉ muốn nói là, trong dịp 30-4, có nhiều người vui, nhiều người buồn, cái buồn đó tự do mình tạo nên. Ba mươi sáu năm rồi mà mình không hóa giải được chuyện đó, thì tôi nghĩ rằng, đó là trách nhiệm chung của mọi người.

RFI : Xin cám ơn ông Nguyễn Quang Hạnh.

Về việc tìm mộ các tử sĩ VNCH, không chỉ có những người lớn, mà tại Hoa Kỳ và một số nước khác ở hải ngoại, nay cũng có một số em là học sinh, sinh viên, trong tinh thần “ Uống nước nhớ nguồn”, đã tự động đứng ra thành lập một Văn Phòng Liên Lạc Tìm Mộ vào tháng 12 năm 2010, địa chỉ liên lạc:

Văn Phòng Liên Lạc Tìm Mộ
625 wool Creek Dr ,Suite # E
San Jose . CA 95112
Tel . 559 273 1782
E- mail: lienlactimmo@att.net

Hoạt động của Văn Phòng Liên Lạc Tìm Mộ cũng giống như một hộp thư, tức là để những người tìm mộ và những người biết về nơi chôn cất các tử sĩ có thể trao đổi thông tin với nhau, để từ đó có thể tìm ra nơi chôn cất các binh sĩ đã hy sinh trong chiến trận, cải táng và tổ chức cầu siêu cho các tử sĩ này. Với phương tiện Internet, việc trao đổi thông tin nay dễ dàng hơn rất nhiều và nhờ vậy mà qua Văn Phòng Liên Lạc Tìm Mộ, một số người đã tìm được chồng, cha hoặc anh, đã bị vùi thây trong đất lạnh từ gần 40 năm qua, mà vẫn chưa được một nén hương.

Thanh Phương

Một ngày tháng Tư thăm nghĩa trang quân đội chế độ cũ

Dưới những rặng cây xanh, đây là nơi yên nghỉ của 16 ngàn tử sĩ chế độ cũ, chia làm 8 khu từ A đến I. Ảnh: Thu Hà.

Ba mươi lăm năm nhìn lại. Thời gian đã đủ lâu để những người đang sống thấy thấm thía nỗi đau ngăn cách. Quyết định dân sự hóa nghĩa trang quân đội cũ xem ra đã là một bước tiến khá dài cho mục tiêu hoà hợp dân tộc, hàn gắn lòng người.

LTS: Ba mươi tháng Tư năm 2010, đất nước kỷ niệm 35 năm thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối. Hơn ba chục năm ấy là cả một chặng đường đầy khó nhọc để xây dựng đất nước từ những ngổn ngang, mất mát, đau thương.

Trong 35 năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, đưa ra nhiều chính sách nhằm hoà hợp dân tộc, không phân biệt người trong và ngoài nước. Từ phía những người ra đi cũng có rất nhiều người đã trở về, không nhiều thì ít tìm cách chung tay phát triển đất nước.

Tuy nhiên, để tạo thành một khối sức mạnh dân tộc đồng thuận trong ngoài để đưa đất nước phát triển vẫn còn cần lắm lòng vị tha, bỏ qua quá khứ và định kiến vì một tình yêu nước thương nòi giữa những người Việt chung dòng máu Lạc Hồng.

Nhân dịp kỉ niệm này, VietNamNet khởi đăng loạt bài với chủ đề: Hoà hợp dân tộc bằng tình thương yêu. Chúng ta sẽ cùng nhìn lại những thành quả đã đạt được và những gì còn có thể làm được để gạch ngang quá khứ, khép kín thương đau, vạch đường tương lai để muôn người Việt Nam như một tiến về phía trước…

Cách Sài Gòn hơn 30km về hướng ngã ba Vũng Tàu trên xa lộ Hà Nội, nghĩa trang của các tử sĩ Việt Nam cộng hoà vẫn còn đó tại xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Dưới những rặng cây xanh, đây là nơi yên nghỉ của 16 ngàn tử sĩ chế độ cũ, chia làm 8 khu từ A đến I.

Ông Kha, người đã sống cả một thời tuổi trẻ ở Sài Gòn, một năm vẫn đôi lần chạy xe Honda lên nghĩa trang thắp nhang cho người anh trai duy nhất.

Ông làm việc này đều đặn hơn ba chục năm nay.

“Trước khi được dân sự hoá, thân nhân tử sĩ vẫn có thể vào đây thăm mộ người thân. Nhưng có lẽ đây đó vẫn còn đeo giữ tâm trạng nặng nề nên lượng người đến cũng thưa vắng. Lâu lâu mới thấy có người mẹ, người vợ lặng lẽ vào thắp hương rồi đi ngay. Mưa nắng mấy chục năm trời, nhiều ngôi mộ xuống cấp”.

Đó cũng là qui luật không tránh khỏi của thời gian.

Kể từ sau ngày 30/4/1975, nghĩa trang quân đội Biên Hoà được giao cho Quân khu 7 thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. “Đây có thể là lý do lâu nay một số người không có thiện chí vẫn nói những người trong nước chưa dám mạnh dạn hoà giải”, ông Kha nói.

Tháng 11/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1568/QĐ – TTg: Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 hecta đất khu nghĩa trang Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân khu 7, Bộ Quốc Phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự.

Giờ đây nghĩa trang được đổi tên thành Nghĩa trang nhân dân Bình An do UBND huyện Dĩ An quản lý.

Quyết định “dân sự hoá” nghĩa trang quân đội Biên Hoà này khi đó được dư luận đánh giá như một bước đi đầy ý nghĩa của công cuộc hoà giải, hoà hợp dân tộc.

Còn với hàng ngàn thân nhân của những tử sĩ chế độ cũ như ông Kha, quyết định đó giúp họ cất đi phần nào gánh nặng tâm lý và mặc cảm đang đeo đẳng.

Từ chuyện bàn thờ gia đình

Bên mộ phần của người anh trai đã được quét vôi trắng tinh tươm, sau một hồi thuyết phục rất lâu, ông mới từ tốn kể lại câu chuyện éo le của chính gia đình mình.

Sinh ra ở Nam Định, ông Kha và anh trai theo những người bên ngoại vào Sài Gòn mưu sinh từ năm 1954.

“Những người họ hàng bên nội của tôi vẫn ở ngoài bắc. Cha của tôi là chiến sĩ Điện Biên, ông hy sinh anh dũng trong trận đánh ác liệt chiếm cứ điểm Mường Thanh. Tôi còn có một ông chú đi bộ đội, hy sinh đâu đó ở chiến trường miền Đông Nam Bộ hồi năm 1968”.

Nhưng bi kịch gia đình chỉ bắt đầu xảy ra từ năm 1970, khi người anh trai lớn hơn ông vài tuổi bị gọi đi lính, và được điều về một tiểu đoàn nhảy dù của quân lực Việt Nam cộng hoà.

Năm 1972, người anh tử trận khi tham chiến tại thị xã An Lộc được chôn cất ở nghĩa trang này. Ông Kha điềm tĩnh kể về một biến cố đau lòng xảy ra đã nhiều chục năm về trước.

“Quyết định dân sự hóa nghĩa trang quân đội cũ được nhìn nhận là một bước tiến khá dài cho mục tiêu hoà hợp dân tộc, thống nhất lòng người.”. Ảnh: Thu Hà.

Tại ngôi nhà nằm tít tắp trong một con hẻm thuộc phường 14, quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã từ rất lâu rồi, trên bàn thờ gia đình ông, một bên có bát nhang thờ cha và chú, những liệt sĩ thuộc “phía bên này” và cạnh đó, là bát nhang của người anh trai thuộc “phía bên kia”.

“Trong khi những người sống dường như vẫn còn lấn cấn với nhau, thì những người chết họ đã chẳng còn đeo đẳng mối hận thù. Dù đứng ở phía bên nào thì với tôi họ vẫn luôn là những người thân thiết. Họ vẫn vẹn nguyên là người cha, người anh”, ông Kha bộc bạch.

“Có dũng cảm vượt qua quá khứ?”

Chuyện gia đình ông Kha cũng là hoàn cảnh trớ trêu mà phần đông gia đình sinh sống ở miền Nam hồi đó gặp phải.

Đây là thực tế mà ông Võ Văn Sung, một trong 5 thành viên chính thức của phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà tham dự ký Hiệp định Paris đã nhắc tới khi nói về hoà hợp dân tộc, hàn gắn lòng người.

Trong một bài viết thu hút đông đảo sự chú ý của dư luận, ông Sung nói rằng: “Ở Việt Nam có đặc điểm là kháng chiến chống xâm lược nước ngoài kéo dài quá lâu. Riêng ở miền Nam Việt Nam liên miên gần 30 năm và ước tính có đến 90% gia đình Việt Nam có người cả hai bên. Mặt khác chiến tranh lâu năm cả nước và mỗi gia đình Việt Nam đều chịu nhiều mất mát đau thương, do đó không có cách nào khác là phải tha thứ cho nhau để xây dựng lại, vì nếu làm ngược lại thì 90% gia đình Việt Nam phải tiếp tục đau khổ“.

Trăn trở của nhà ngoại giao kỳ cựu cho thấy chuyện hòa hợp của một dân tộc cũng tựa như cách ứng xử trong mỗi gia đình.

Ba mươi lăm năm nhìn lại. Thời gian đã đủ lâu để những người đang sống thấm thía nỗi đau chia cách.

Mấy năm trước, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một cuộc trò chuyện với báo Quốc Tế (Bộ Ngoại giao) về sự kiện ngày 30 tháng Tư đã khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Ông nói, chiến thắng tháng Tư năm 1975 là vĩ đại, nhưng Việt Nam cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Và đây là câu chuyện “khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần đươc giữ lành thay vì tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”.

Chia sẻ với trăn trở này, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc TP. Hồ Chí Minh cũng lưu ý: “Nếu vẫn để căng thẳng kéo dài chắc chắn không mang lại một chút lợi ích nào về mặt tinh thần cho những người Việt Nam khắp nơi, dù thuộc bên này hay bên kia, trong hay ngoài nước”.

Bởi vậy, Quyết định dân sự hóa nghĩa trang quân đội chế độ cũ được dư luận xã hội nhìn nhận là một bước tiến khá dài cho mục tiêu hoà hợp dân tộc, thống nhất lòng người.

Xem ra, chẳng có gì quá khó. “Tất cả đều ở cách con người ứng xử thế nào với nhau. Họ có đủ can đảm và dũng khí, dám vượt lên quá khứ đau buồn hay không?”, ông Kha kết thúc câu chuyện với những người khách lần đầu gặp mặt.

Posted in: Chính Trị