Linh mục được phép ứng cử vào quốc hội?

Posted on May 14, 2011

6



Linh mục Phan Khắc Từ phát biểu tại một hội nghị của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.

Vấn đề linh mục công giáo có được Giáo hội cho phép ra ứng cử vào một vị trí nào đó của chính quyền hay không vẫn đang âm ỉ trong dư luận giáo dân.

Trong kỳ bầu cử Quốc hội tới đây Việt Nam có 4 linh mục ra tranh cử, trong đó có linh mục Phan Khắc Từ, sẽ tái tranh cử vào chức vụ đại biểu quốc hội. Mặc Lâm phỏng vấn linh mục Phan Khắc Từ để biết thêm động cơ, nguyện vọng của ông khi tham gia vào hoạt động chính trị này.

Bổn phận một chủ chăn

Mặc Lâm: Thưa linh mục xin ông cho biết trong vai trò của một linh mục thì quan niệm của ông trước các vấn đề xã hội ông quan tâm đến vấn đề gì nhất?

LM Phan Khắc Từ: Trước hết tôi rất quan tâm tới người nghèo, người khuyết tật cơ nhỡ, người bị thiệt thòi trong xã hội. Đây là một lĩnh vực có thể nói từ trước tới giờ tôi vẫn quan tâm. Tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy cho quyền lợi, hay thúc đẩy để có những bộ luật để những người khuyết tật, những người thiệt thòi trong xã hội có được chỗ đứng mà có được cái quyền lợi.

Mới ra vậy thôi chứ chưa chắc đã trúng! Thực sự nó là tranh cử chứ không phải đơn giản đâu.

LM Phan Khắc Từ

Thí dụ như những người nghèo ở vùng nông thôn. Bây giờ người ta không có bảo hiểm y tế, làm sao để bảo vệ cho người ta có được những quyền lợi đó để khi đau yếu người ta có quyền khám chữa bệnh. Hay những người neo đơn, những người già, những người tật nguyền hay trẻ em gia đình nghèo có điều kiện để học hành.

Mặc Lâm: Theo ông thì người Công giáo Việt Nam đối với vấn đề chung của đất nước đã thể hiện hết vai trò của từng người hay chưa nhất là thành phần trí thức và tu sĩ?

LM Phan Khắc Từ: Người công giáo càng ngày càng gắn bó và tham gia một cách tích cực vào công việc xã hội. Những lĩnh vực nào có khả năng chuyên môn của phía công giáo thì đều thúc đẩy chuyện đó. Hai là giới tu sĩ là giới có nhiều khả năng vừa do cuộc sống hiến dâng của mình vừa do có khả năng chuyên môn, học hành được đào tạo trên các lĩnh vực này. Làm sao tận dụng đựơc những  năng lực này, làm sao cho chuyện đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước, của xã hội của người nghèo. Nói chung tôi rất tha thiết đến những chuyện này.

Những thành phần này rất đông đảo ở trong Giáo hội nên giúp tạo điều kiện để cho người có tôn giáo tham gia vào trong mọi lĩnh vực của xã hội nhất là trên lĩnh vực từ thiện. Đấy là cái quan tâm của tôi.

Mặc Lâm: Người dân vẫn cho rằng khi được hiệp thương rồi thì tỷ lệ trúng cử rất cao  gần như tuyệt đối. Ông có thể chia sẻ cho độc giả biết về việc này sự thật như thế nào?

LM Phan Khắc Từ: Mới ra vậy thôi chứ chưa chắc đã trúng! Thực sự nó là tranh cử chứ không phải đơn giản đâu. Đi vào thực tế tại vì mình là linh mục, nói như tôi quan hệ rất là nhiều nhưng sánh với người ta thì không có năng lực bằng người ta đâu. Trí thức cũng chưa chắc, năng lực cũng chưa chắc quan hệ xã hội cũng chưa chắc.

227830_206782279353599_200.jpg
Linh mục Phan Khắc Từ. Photo courtesy of btgcp.gov.vn

Lá phiếu là do người dân, mà dân của tôi, dân đơn vị của tôi sợ không được 10% công giáo. Dân đa số là Phật giáo hay không tôn giáo, công giáo rất là ít, thật ra tình hình là như vậy. Nếu người ta tin tưởng, tín nhiệm thì mình đựơc còn không thì thôi. Cũng vui vẻ thôi không phàn nàn, không trách móc gì ai.

Nếu mình co lại mình không chịu tham gia thì phía nhà nước lại trách móc là mấy ông Công giáo không tham gia gì cả. Các tôn giáo khác người ta rất là hân hạnh được tham gia. Mình có những cái vướng mắc mà mình không làm thì theo tôi nó cũng có cái gì đó… Có thể cũng có một cái gì đó tương lai nhưng xác định nhất định “là” thì không có.

Mặc Lâm: Thưa linh mục là một chủ chăn, bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất là chăn giữ đàn chiên của mình trong ngôi nhà Giáo hội Việt Nam, ông đã nhiều lần giữ chức đại biểu Quốc hội và lần này tiếp tục ra tranh cử một lần nữa xin ông cho biết nguyên do nào dẫn ông đi đến quyết định này. Và khi đắc cử thì ông còn đủ thời giờ để phục vụ cho đàn chiên của mình hay không?

LM Phan Khắc Từ: Sở dĩ tôi có tham gia mấy lần ở Quốc hội hay tham gia với chính quyền để cho người có tôn giáo có niềm tin, đem niềm tin của mình vào phục vụ xã hội đó là điều tôi rất quan tâm, rất tâm đắc. Mặc dù có nhiều ý kiến, có nhiều người kết án đối với những linh mục tham gia. Nhưng mà đất nước này là của chung, mọi người đều có trách nhiệm. Riêng giáo hội nói gì thì nói, phải góp phần với đất nước chứ không nên đứng ngoài.

Bộ Giáo Luật 1983

Mặc Lâm: Gần đây trong cộng đồng giáo dân đã nổi lên nhiều dư luận chống lại việc nhiều linh mục ra ứng cử vào Quốc hội. Có nơi còn chứng minh bằng Bộ Giáo Luật 1983 từ Vatican do HĐGMVN phát hành năm 2007, trang 108, Điều 285 đã viết: “Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền bao hàm sự tham gia vào việc hành xử quyền bính dân sự”. Linh mục nghĩ sao về  những chống đối từ chính những con chiên trong Giáo hội thưa ông?

Dĩ nhiên là có tụi bên ngoài nó quá khích nhưng mà tôi nghĩ Giáo Hội nói gì thì nói vẫn phải ở đây, ở với dân tộc này, nó có ma quỷ gì thì cũng phải ở với nó thôi chứ!

LM Phan Khắc Từ

LM Phan Khắc Từ: Theo tôi thì điều dĩ nhiên mỗi một đất nước, mỗi một hoàn cảnh xã hội nó có những tình tiết của nó, nó có những vấn đề của nó. Nếu mình cứng ngắt thì giáo hội sẽ trở nên cô lập. Ở Việt Nam các Giám mục cũng đã có nhiều suy nghĩ về lĩnh vực này khi những điều đó được nhắc nhở cho đức cha Nhật. Ngài cũng thấy rằng ở trong hoàn cảnh đất nước này mình cần phải đi vào trong thực tế của xã hội.

Mặc Lâm: Việc ứng cử của linh mục nếu không tự ý mình như ông nói thì ông có thể cho biết tổ chức hay đơn vị nào đề cử ông ra ứng cử lần này hay không?

LM Phan Khắc Từ: Tôi đã đựơc cả cái Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, phần lớn là anh em linh mục ở cả nước họp lại và đề cử thì điều đầu tiên tôi về là tôi gặp đức Hồng Y (Phạm Minh Mẫn) trình bày với ngài về điều đó.

Mặc Lâm: Như ông nói là có trình bày với Hồng Y Phạm Minh Mẫn về việc ra tranh cử Quốc Hội, thế ý kiến của Ngài như thế nào?

LM Phan Khắc Từ: Nó có những vấn đề mà không thể nào cứ cứng ngắt như vậy được. Tôi nghĩ rằng làm cách nào đó cho người ta đừng tấn công vào Hồng Y, tôi phải bảo vệ ngài. Cái nội dung đó không phải ngài cấm, mà ngài cũng không cho phép nhưng theo lương tâm của mình. Ngài nói liệu vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thì có làm được cái gì không? Nếu cảm thấy rằng làm được, làm được cho đất nước, làm được cho Giáo hội, dù là bị búa rìu từ phía Giáo hội.

Mặc Lâm: Mới đây dư luận cho rằng việc ông thôi giữ chức chánh xứ Vườn Xoài là một trao đổi để linh mục được tiếp tục có một ghế trong Quốc hội Việt Nam, ông nghĩ sao về những đồn đoán này?

LM Phan Khắc Từ: Dư luận nó cho rằng tôi không thể, không thể nào đưa ra khỏi giáo xứ Vườn Xoài được thì cái chuyện đó tôi không muốn để cho dư luận hiểu lầm như vậy. Mình là con cái của Giáo hội thì phải vâng lời Giáo hội chứ! Thứ hai tôi ở như thế này cũng đã lâu lắm rồi nên cái chuyện đi là chuyện bình thường.

banner-03-250.jpg
Pano chào mừng Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII. RFA photo.

Có cái là đi trước bầu cử thì nó gây cho người thấy hình như có một cái áp lực nào đó. Tôi thấy tôi rất là thanh thản. Tôi vẫn ở đây, vẫn làm việc, vẫn làm lễ như thường. Chỉ có điều một số chuyện như là không điều hành giáo xứ nữa thế thôi. Tôi vẫn quan hệ với các ngài như thường. Dĩ nhiên là có tụi bên ngoài nó quá khích nhưng mà tôi nghĩ Giáo Hội nói gì thì nói vẫn phải ở đây, ở với dân tộc này, nó có ma quỷ gì thì cũng phải ở với nó thôi chứ!

Mặc Lâm: Và trước khi chấm dứt buổi phỏng vấn này linh mục còn điều gì muốn chia sẻ thêm với thính giả của đài Á Châu Tự Do nữa hay không?

LM Phan Khắc Từ: Tôi có sao nói vậy với tất cả tấm lòng mình kể cả cuộc đời mình đã dấn thân cho người nghèo thế thôi. Nếu tôi ở trong vị trí đó thì dĩ nhiên tất cả những vấn đề gì đụng chạm đến người nghèo thì tôi sẽ có tiếng nói của tôi tôi bênh vực.

Dĩ nhiên không phải mình muốn cái gì thì được cái đó nhưng mà mình thể hiện được tấm lòng của mình hay nói rõ hơn là con của Chúa với những người trong hoàn cảnh bất hạnh.

Mặc Lâm: Xin cám ơn linh mục Phan Khắc Từ đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.

Theo dòng thời sự:

LM. Phan Khắc Từ: UBĐKCGVN không phải của Giáo hội mà là của Mặt trận, của Đảng

LM. Phan Khắc Từ (trái) phó Chủ tịch và LM Nguyễn Công Danh (phải) chủ tịch UBĐKCGVN

Với nhiều người công giáo, thậm chí là cả linh mục, tu sĩ… đến nay vẫn cứ có quan niệm lẫn lộn hoặc không rõ ràng với tổ chức UBĐKCGVN về thực chất và vai trò của nó có phải là của Giáo hội hay không?

Nếu không là của Giáo hội, tại sao vẫn có những LM tham gia và việc tham gia đó có vi phạm Giáo luật hay không vì GH Không cho phép các linh mục hoạt động chính trị. Việc lẫn lộn này có thể do vô tình thiếu hiểu biết hoặc do cố ý vì một sự thỏa hiệp, một sự vướng mắc nào đó mà không tiện nói ra.

Không phải của Giáo hội, là của Mặt trận, của đảng.
Khác với linh mục Chủ tịch UBĐK Công giáo VN Nguyễn Công Danh khi nói chuyện với chúng tôi qua điện thoại đã khẳng định rằng: Tổ chức UBĐK Công giáo là của “Giới công giáo” thì LM Phan Khắc Từ (PKT) có vẻ thẳng thắn hơn hoặc có nhiều kinh nghiệm hơn về tổ chức này.

Chúng tôi đã đặt câu hỏi: “Tổ chức này là của ai? Có phải của Giáo hội hay không?” thì LM.PKT khẳng định: “Không phải của Giáo hội mà là của Mặt trận, đương nhiên là của Đảng. Thí dụ bên Phật giáo thì cả Giáo hội Phật Giáo là thành viên của Mặt trận, bên Giáo hội Công giáo thì Hội Đồng Giám mục đương nhiên không thể tham gia vào tổ chức này. Vì không thể tham gia nên có một số linh mục được mời tham gia để mà tham gia vào các phong trào chung thôi chứ không phải tất cả các linh mục”.

Chừng như cũng rất có kinh nghiệm với vị thế và mục đích của Ủy Ban này đã được nhiều bài báo phân tích và nhiều người nghiên cứu nói rõ là một tổ chức được nhà nước đẻ ra, nuôi nấng và chăm sóc, nên không thể là của Giáo hội và việc sinh ra, nuôi nấng nó nhằm mục đích gì, LM.PKT nói tiếp: “Chúng tôi cũng liên kết rất chắc với các Giám mục của mình, để thể hiện ra rằng đây không phải là giáo hội ly khai giống như Trung Quốc đâu”.

Như vậy theo LM.PKT đây là một tổ chức của Đảng nhưng “liên kết chặt chẽ với các Giám mục” và như thế là các Giám mục vẫn nghiễm nhiên đồng ý cho một tổ chức của Đảng mang danh Công giáo liên kết chặt chẽ với mình khi vẫn liên kết với họ.

Để dẫn chứng cho điều này, LM.PKT đưa ví dụ: “Đợt chuẩn bị bước vào Năm Thánh, Ủy ban ĐKCG TPHCM có tổ chức một buổi tĩnh tâm cầu nguyện, hành hương với số người hơn 300 người, chúng tôi có mời cha Tổng Thư ký ủy ban Giáo dân giảng và chính Đức Hồng Y đã đến cử hành Thánh lễ cho anh em. Ngài cũng khuyên nhủ anh em tất cả những chuyện gì cần làm để bảo vệ được là người Công giáo tốt, người công giáo nhiệt thành”.

Chúng tôi thấy lạ ở điểm này: Cái Ủy ban này do Mặt trận, do Đảng sinh ra, nhưng lại vẫn “tĩnh tâm cầu nguyện và hành hương”, lại được Hồng Y cử hành Thánh lễ. Đây là những nghi thức tôn giáo rõ ràng. Vậy trong những sinh hoạt này nó có thể danh không chính và ngôn cũng không thuận. Bởi vì theo LM.PKT nói, thì trong đó có một số linh mục, một số giáo dân dù có là đa số thì cũng không có nghĩa là tất cả, nghĩa là trong đó vẫn có nhiều người của Đảng, mà đảng cộng sản thì vô thần… Vậy khi Tĩnh tâm, hành hương và cầu nguyện này những người vô thần đó tham gia như thế nào?

Mặt khác, trong Thánh lễ, khi Đức Hồng Y có khuyên nhủ anh em “làm những chuyện gì cần làm để bảo vệ được là người công giáo tốt, người công giáo nhiệt thành” như lời LM.PKT đã nói, nhỡ đâu có người không công giáo đứng dậy cãi ngay rằng: “Ông không được nói với tôi như thế, tôi làm sao mà lại thành người công giáo tốt khi tôi vô thần?” thì lúc bấy giờ sự thể sẽ ra sao.

Khi chúng tôi đưa thắc mắc rằng theo một vài bài viết trên mạng, thì việc ĐHY dâng Thánh lễ hôm đó chỉ vì trong UBĐK hôm đó có những người là giáo dân mà thôi, thì LM.PKT khẳng định “tôi có đọc nhưng hoàn toàn không phải thế, bài viết đó là sai, ĐHY không nói gì về việc tách biệt UBĐK và công giáo”.

Như vậy, theo LM.PKT việc Ủy ban ĐKCG này tồn tại và các linh mục vẫn tham gia vào đó là được sự nhất trí của các Giám mục chứ không phải tự tiện. Mặt khác khi chúng tôi hỏi về thái độ vâng phục hiệp thông với bề trên thì LM.PKT cho biết “Mỗi việc tôi làm đều trao đổi với bề trên”.

Chúng tôi cũng không rõ những vị mang áo linh mục khi tham gia tổ chức này của đảng, và cả những vị cũng từ đây mang áo chùng đen ngồi trong các cuộc họp Quốc Hội nhưng chưa bao giờ có một lời nói nào bênh vực Giáo hội kể cả những vấn đề liên quan đến sinh mệnh Giáo hội như những vụ việc vừa qua có phải là những “vượt quá giới hạn chức phận của LM, can thiệp sâu vào những vấn đề chính trị” như lời kết tội của báo HNM và An ninh Thủ đô, Sài gòn giải phóng đã kết tội các Linh mục ở Thái Hà hay không? Giáo luật có cho phép những linh mục công giáo tham gia tổ chức của đảng vô thần hay không?

Những điều này xin mọi người có kiến thức phân tích rõ hơn.

Chỉ có một điều chắc chắn rằng: Theo LM.PKT thì việc còn tồn tại các LM tham gia vào UBĐKCG là có trách nhiệm của các Giám mục, Hồng Y đã không có thái độ rõ ràng hoặc có thái độ nhưng chưa đủ sức nặng.

Chính danh, tiếm danh hay mạo danh?
Tổ chức nào được sinh ra và nuôi dưỡng bởi ai, thì phục vụ cho mục đích và quyền lợi của tổ chức đó, điều này là không cần bàn cãi. UBĐKCGVN được sinh ra bởi nhà nước, kinh phí lấy từ Nhà nước nuôi dưỡng và được Mặt trận quản lý, đảng CSVN lãnh đạo thì đương nhiên phải phục vụ đảng và mặt trận là điều hiển nhiên.

Vì vậy, Giáo hội Công giáo cũng không có uy quyền hoặc thực quyền nào trên tổ chức này. Tuy nhiên, điều cần nói là tổ chức này mang tên Ủy ban Đoàn Kết Công giáo và vì thế tạo nên nhiều sự nhầm lẫn trong GH. Cũng vì sự mập mờ đó, mà khi các LM tham gia, vẫn không lột tả thực sự bản chất phục vụ hai mang của mình là làm tôi cả Chúa (hữu thần) và cả đảng (Mác – lê vô thần).

Nếu như Tổ chức này mang tên là Ủy ban lãnh đạo Công giáo của Nhà nước, hoặc Ủy ban quản lý các linh mục, giáo dân Công giáo theo sự lãnh đạo của đảng… chẳng hạn, thì chắc chắn chẳng có ai thắc mắc làm gì. Nhưng nó lại mang tên khá đẹp là Ủy ban Đoàn kết Công giáo và sự mang tên này là sự tiếm danh.

Để giải thích điều này khi được hỏi, LM.PKT cho rằng: “Thì cũng có nhiều tổ chức mang danh công giáo đó thôi, như doanh nhân công giáo, giáo chức công giáo chẳng hạn nên danh xưng là cũng chung thôi… có người là doanh nhân nhưng có vào đó đâu” Nhưng khi tôi nói rằng: “Doanh nhân công giáo, có nghĩa là những người đã vào là doanh nhân, tất nhiên cũng có người là doanh nhân nhưng không vào. Còn khi đã vào là doanh nhân thật. Vậy có nghĩa là UBĐKCG là của những người công giáo đoàn kết? tất nhiên là có thể có những người đoàn kết nhưng không vào, nhưng khi đã vào là đoàn kết?” thì LM.PKT đã trả lời là “không phải, tôi không nói chuyện đó, không phân biệt gì hết. Bây giờ người ta đang gọi là Ủy ban Đàn két đấy thôi, người ta cho tên này tên kia thì mình làm gì”

Thực chất những câu trả lời LM.PKT đã loanh quanh và không thể bao biện cho sự tiếm danh của cái UBĐKCGVN này.

Bởi cũng đúng thôi, nếu nó chính danh, thì chắc chẳng ai bị sự lập lờ đánh lận đó làm cho khó hiểu. Người ta sẽ hiểu rất rõ rằng đã có một số LM (ngoại trừ giáo dân) đã thề tận hiến đời mình cho Chúa, vẫn ngang nhiên phục vụ đảng vô thần Mác – Lê mà không ngại ngùng.

Tác dụng thật sự của UBĐK Công giáo? Chúng tôi cũng muốn nghỉ lắm rồi
Trong cuộc nói chuyện với LM.PKT, chúng tôi có nhiều lần đề cập đến vai trò của UB này với giáo hội và xã hội. Chỉ có những người đã từng theo dõi những sự kiện vừa qua đều biết rằng những khi nhà nước bí cờ, thì lại sử dụng con bài này trong các cuộc Giáng Sinh, các cuộc chúc mừng, lễ lạt, hàng năm cấp kinh phí (tức là tiền của dân) để tổ chức… họp và báo cáo thành tích.

Còn tác dụng thực sự của nó là gì, thì chúng tôi cũng đã hỏi nhiều lần và LM.PKT đã không trả lời được cụ thể, chỉ nói là nhiều việc, vậy thôi.

Khi chúng tôi hỏi: “Có phải là cái UB này hàng năm họp hành báo công lại lấy thành quả lao động của giáo dân mà báo cáo thành tích như của mình, trong khi UBĐKCG này không hề có tác dụng gì cho họ?” LM.PKT trả lời: “Đó là quan điểm của mỗi người”.

Những ai đã liếc qua bản báo cáo của UBĐKCGVN tổng kết năm 2009 mới đây do chính LM. PKT đọc thì sẽ thấy những nội dung thành tích được báo cáo trong đó thực chất là mồ hôi nước mắt của giáo dân, các dòng tu và các giáo xứ làm nên, tuyệt nhiên chẳng thấy bóng dáng của một ông nào thuộc Ủy ban đoàn kết này xuất hiện. Nhưng báo cáo thì LM Từ đã liệt kê tất cả như là công lao của cái ủy ban này.

Thông thường, dù là quan điểm của ai đi nữa, nếu là người lương thiện, chưa nói là một linh mục, khi lấy những thành quả của người khác làm của mình, nếu nương nhẹ theo cách gọi lịch sự thì đó là hiện tượng “cầm nhầm” nói thật đúng nghĩa thì chỉ có thể gọi là “ăn cắp”.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội báo cáo viết: “Dòng thánh Phaolô đã chuấn bị nhiều phòng nghỉ giúp đỡ các thí sinh lên dự thi, nhiều sinh viên Công giáo tình nguyện ở lại các thành phố làm hoa tiêu, làm hướng dẫn giao thông giúp thí sinh và người nhà đưa con em lên thi đại học. Trong kì thi tuyển sinh đại học vừa qua, gần 2000 lượt thí sinh đã được các giáo xứ, giáo dân trên địa bàn Hà Nội hỗ trợ nhà trọ và giúp đỡ đi lại tiết kiệm cho thí sinh với số tiền lên đến 2 tỉ đồng”.

Và đây:”nhiều giáo xứ ở hai giáo phận Hà Nội và Hưng Hoá đã quyên góp qua Mặt trận Tổ quốc hơn 4 tỉ đồng ủng hộ đồng bào các tỉnh bị thiên tai lũ lụt”. (Báo cáo Tổng kết của UBDDDKCGVN năm 2009).

Đọc qua những dòng này, người ta tưởng rằng mấy ông UBDDKCG đã tổ chức ra những việc này tại Thủ đô Hà Nội? Không có chuyện ấy đâu, cả vụ tuyển sinh, từ thiện đâu thấy ông nào thò mặt? Mặt khác, báo cáo này đã chỉ viết đến Dòng Thánh Phao lô mà cố tình bỏ qua việc đón tiếp mùa thi này chủ yếu là ở Dòng Chúa cứu thế Thái Hà.

Trong khi đó, cũng theo báo cáo, thực chất một năm hoạt động của UBĐKCG Hà Nội do một LM làm chủ tịch, nghe nói được cấp cả xe, ưu tiên mọi mặt được ghi như sau: “Năm 2009, Ban Thường trực Uỷ ban Đoàn kết Công giáo TP.Hà Nội đã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tổ chức thành công 02 cuộc toạ đàm tại huyện Phú Xuyên và quận Tây Hồ về mô hình xây dựng “xứ họ đạo tiên tiến” và “gia đình Công giáo văn hoá, sống tốt đời đẹp đạo”. Tổ chức thành công cuộc toạ đàm “Người Công giáo Thủ đô học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đúng vào dịp kỉ niệm 119 năm ngày sinh nhật Bác. Các buổi tạo đàm trên đã được nhiều báo, đài đưa tin và dư luận đánh giá cao”. Hết, thành tích chính là được báo đài đưa tin, chỉ có thế. Thật oan uổng cho những đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của nhân dân chi cho cái ủy ban này.

Không hiểu tại sao trong báo cáo lại thiếu mất một hoạt động quan trọng của giáo dân Hà Nội năm 2009 là: “Đã có một cuộc đi bộ gần 10km của hàng chục ngàn người dân từ Hà Nội vào Hà Đông để bị chặn lại ngoài hàng rào mà tham dự “phiên tòa công khai” xử 8 giáo dân, nạn nhân Thái Hà. Hàng vạn người với cành thiên tuế trên tay đã hát vang những bài ca trước hàng ngàn cảnh sát và các loại phương tiện, vũ khí để chứng tỏ tinh thần người Công giáo hôm nay không sợ bạo quyền và đòi Công lý, Sự thật, chứng tỏ tinh thần Hiệp thông. Cũng trong năm qua, sống với tinh thần hiệp thông, giáo dân Hà Nội đã tổ chức cả trăm cuộc cầu nguyện cho giáo dân các nơi bị đàn áp bởi bạo quyền, bất công”.

Và cũng trong báo cáo này, cái đoạn “Riêng ở quận Đống Đa (Hà Nội) đã ủng hộ 350 triệu đồng cho các nạn nhân lũ lụt và gần 1 tỉ đồng cho các hoạt động bác ái, từ thiện…” có phải họ đang muốn nói đến những đóng góp của giáo dân tại Giáo xứ Thái Hà – Dòng Chúa Cứu thế, nơi mà đài báo nhà nước luôn kết tội đám giáo dân ở đây như những đám tội phạm? Tại sao thành tích tiền bạc thì họ nhận, thành tích của giáo dân đoàn kết, hiệp thông và sự thật công lý không được họ nhắc đến?

Thực ra, nhìn trên phương diện công khai, người ta khó thấy hoặc không thấy cái UB này có tác dụng gì cho Giáo hội, ngược lại tác hại thì quá lớn, đó là sự thật không cần chứng minh.

Chẳng hạn như khi được hỏi về những vụ việc như Tòa Khâm sứ, Thái Hà, thì LM Nguyễn Công Danh cũng bảo rằng chúng tôi ở xa nên không biết và không có ý kiến(?) Còn vụ Đồng Chiêm, thì LM Từ trả lời “tôi chưa đến Đồng Chiêm, chưa biết nên không có ý kiến, (nhưng cái biên bản thì tôi đã đọc) và… đáng tiếc…” Vậy nhưng, ngay trên website của UBĐKCGVN, bài viết “Bình yên về với Đồng Chiêm” – một bài viết có tính chất vu cáo, kết tội các đấng bậc, giáo dân trong giáo hội, bào chữa cho việc đập Thánh Giá – thì được đưa lên trang nhất chễm chệ ở đó.

Khi chúng tôi hỏi: “Kinh phí của UBĐKCG này lấy từ đâu” được LLM.PKT trả lời là “từ Mặt trận một phần, phần lớn do anh em chúng tôi tự lo” điều này làm tôi ngạc nhiên. Bởi vì nếu là giáo dân, có thể có nguồn thu từ những hoa lợi, từ kinh doanh, buôn bán và các nghề nghiệp khác để “tự lo một phần”. Nhưng với các linh mục, họ lấy tiền đó từ đâu ra ngoài nguồn thu từ giáo dân? Hay các LM này cũng buôn bán kinh doanh? Với UBĐK chỗ LM.PKT thì có nguồn thu từ nhà khách (nghe nói vậy) nhưng những LM khác thì từ đâu để bù vào khoản kinh phí này? Dù nhỏ, dù lớn thì việc đó cũng cần đặt một câu hỏi.

Với UBĐK Công giáo tác dụng của nó đối với nhà nước như thế nào thì đã rõ, nếu không có tác dụng, hẳn là đã không ai “đem thóc đi đãi gà rừng”.

Khi chúng tôi hỏi rằng: “Bao giờ thì đến hồi kết của cái UB này?” LM.PKT cho biết “chúng tôi cũng muốn nghỉ lắm rồi chứ ăn gì”, nhưng về UBĐKCG thì “Đến khi nào nhà nước thấy không cần nữa và nói với Giáo hội chấm dứt, thì chúng tôi chấm dứt ngay”.

Nghe câu trả lời này, thì quả thật LM.PKT đã xác định đường hướng phục vụ lâu dài cho cái UB này, bởi vì khi nó còn có tác dụng cho nhà nước (điều này rất rõ) thì còn lâu mới có điều kiện thứ 2 là “nhà nước nói với GH chấm dứt nó”. Mà GH thì không có quyền hành gì với cái UB này, vì GH đâu có sinh ra và nuôi nấng nó?

Chỉ có điều duy nhất GH có thể làm, là minh định rõ ràng lập trường và thái độ dứt khoát không phải với cái UB này, mà với chính các LM và giáo dân tham gia ở đó, họ có được phép hay không? Có phạm giáo luật hay không? Khi họ còn là giáo dân, là tu sĩ của giáo hội.

Điều này lại thuộc trách nhiệm và quyền hạn các Giám mục.

Phần âm thanh nói chuyện với LM.PKT có thể nghe tại đây: http://www.youtube.com/watch?v=zIAJ2zdC9XI

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Posted in: Chính Trị