Nợ xấu ngân hàng ở Việt Nam gấp đôi số báo cáo

Posted on July 14, 2012

0



Nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội đếm tiền bên những cục tiền như cục gạch mà giá trị mỗi ngày một tuột dốc trong khi hệ thống ngân hàng thương mại ôm những khối nợ khó đòi khổng lồ. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam tới 8.6% tính tới cuối tháng 3, 2012, gấp đôi con số báo cáo của Ngân Hàng Nhà Nước cách đây không bao lâu.

>> Nợ xấu ngân hàng VN ‘gần 10 tỷ USD’
>> Nợ xấu ngân hàng lên đến 202.000 tỷ đồng
>> Nợ xấu ngân hàng: Báo cáo 117.000 tỉ đồng, thanh tra ra gấp đôi

Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền chánh thanh tra của Ngân Hàng Nhà Nước CSVN, tiếp xúc với báo chí để công bố “thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong đó giải thích về sai lệch quá lớn giữa các con số nợ xấu được công bố,” theo bản tin VietnamNet hôm Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012.

Các con số nợ xấu được ông Nghĩa nêu ra là 202 ngàn tỉ đồng (khoảng ($9.69 tỉ USD).

Công bố chính thức của Ngân Hàng Nhà Nước CSVN trước đây nói nợ xuất trong hệ thống ngân hàng thương mại là 117 ngàn tỉ đồng, tức 4.47% số tín dụng cấp ra tính đến cuối tháng 5, 2012. Làm thế nào chỉ trong vòng 2 tháng mà số lượng nợ xấu biến đi đâu mất một nửa?

Ông Nghĩa đổ tội cho nhiều ngân hàng gian dối nhiều cách để che giấu sự thật như “không thực hiện đúng quy định về phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu thấp hơn thực trạng và quy định để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro.”

Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, Nguyễn Văn Bình, cũng nhiều lần đưa ra các con số nợ xấu khác nhau, khi thì 6% khi thì tới 10% và lần cuối cùng ông thông báo mới ngày 7 tháng 7, 2012 vừa qua là chỉ có 4.47%. Nhưng một số tin không chính thức còn cho nợ xấu ngân hàng có thể hơn 20% chứ không ít hơn.

Có đến 84% nợ xấu là các khoản tín dụng thế chấp địa ốc. Nhiều công ty quốc doanh hay kinh tài đảng đoàn dựa thế nhà nước cầm tiền của ngân hàng đầu tư địa ốc. Khi thị trường địa ốc sụp đổ thì những khoản nợ này không đòi được.

Các định chế tài trợ quốc tế từng khuyến cáo Hà Nội cải tổ hệ thống ngân hàng và giải quyết triệt để khối lượng nợ xấu khổng lồ này, nhưng vẫn cứ thấy chần chờ không dứt khoát. Tin tức nói Hà Nội dự tính dùng một ngân khoản tới 100,000 tỉ đồng để đối phó, qua một công ty mua bán nợ xấu khiến một tờ báo ở Việt Nam đặt dấu hỏi, “Liệu việc rút ngân sách 100,000 tỉ đồng có phải là một quyết định có sự tính toán cả định tính lẫn định lượng chuẩn xác?”

Theo ông Tomoyuki Kimura, giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam, để hạn chế nợ xấu cũng như xử lý nợ xấu một cách hiệu quả nhất thì khi cho vay, các ngân hàng thương mại phải kiểm soát mục đích sử dụng các khoản vay của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải trích lập dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi.

Tháng trước khi nói nợ xấu ngân hàng tại Việt Nam tới 10%, Thống Ðốc Nguyễn Văn Bình hé lộ một nửa trong tổng số khoảng 2,580,000 tỉ đồng nợ xấu có thể “mất luôn.”

Giờ thì thanh tra của ông đưa ra các con số khác.

Nợ xấu ngân hàng gia tăng

Gần đây, hàng loạt ngân hàng công bố mức lãi từ vài trăm đến vài nghìn tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tình hình thuận lợi của hệ thống ngân hàng như trái ngược với thực trạng kinh doanh sản xuất đang sa sút, đẩy hàng nghìn doanh nghiệp vào phá sản.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng lãi cao là do lãi suất cho vay quá lớn. Song chính tình trạng cho vay với lãi suất cao lại đang làm cho nợ xấu của ngân hàng thêm trầm trọng, vì chính những doanh nghiệp chấp nhận vay với lãi suất cao thì rủi ro cũng lớn là một lí do khiến nợ xấu phát sinh…

Những con số đáng lo ngại

Đến hết tháng 6-2011, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 75.000 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kì năm 2010. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ ngân hàng là 2,16% vào cuối năm 2010 thì đến hết tháng 6-2011 đã tăng lên 3,1%. Đáng chú ý là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm tới gần một nửa (47%) tổng nợ xấu và chủ yếu rơi vào các khoản nợ bất động sản. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông Lê Xuân Nghĩa, nợ bất động sản chiếm 10,8% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trong nước. Tỉ lệ này là cao so với nhiều nước trong khu vực (Thái Lan là 6%, Ma-lai-xi-a là 7%).

Thực tế nhiều ngân hàng cũng đã bắt đầu lo lắng về tình hình nợ xấu. Với lãi suất cho vay cao, sẽ không ít doanh nghiệp làm không đủ tiền trả lãi ngân hàng làm gia tăng nợ xấu. Những ngân hàng có truyền thống kiểm soát tốt cũng tiết lộ, nợ xấu tăng khoảng 0,5% so với cuối năm trước. Theo đánh giá của các ngân hàng, với tỉ lệ nợ xấu 3,2%, nợ xấu của ngân hàng nay vào khoảng 84.000 tỉ đồng. Tuy nhiên nhiều phản ánh cho thấy, nợ xấu có khả năng không dưới 100.000 tỉ đồng, tương đương 5 tỉ USD.

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới được bổ nhiệm cho biết: “Tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng có tăng từ mức 2% lên 3% và kịch bản xấu nhất thì năm nay tỉ lệ này sẽ ở mức 5% – mức có thể kiểm soát được”. Nhiều chuyên gia rất lo ngại về tỉ lệ nợ xấu này. Đặc biệt đánh giá về nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam theo chuẩn quốc tế, các tổ chức như Fich Ratings đưa ra dự đoán nợ xấu của ngân hàng Việt Nam ở mức 13% tổng dư nợ.

Vì sao nợ xấu gia tăng?

Theo đánh giá của các chuyên gia, nợ xấu của hệ thống Ngân hàng là hệ quả tất yếu của quá trình tăng trưởng tín dụng quá nóng trong những năm qua, cộng với cơn sốt cho vay bất động sản, chứng khoán ồ ạt trong thời kì 2006-2007. Được biết, trong 10 năm trở lại đây, mặc dù Ngân hàng Nhà nước thường xuyên yêu cầu các Ngân hàng thương mại phải hạn chế tăng trưởng tín dụng không quá cao nhưng thực tế tăng trưởng vẫn trên 20%; năm 2007 tăng trưởng tín dụng tới 51,39%; năm 2009 là 37,7%; năm 2010 là 29,8%… Việc cho vay ồ ạt cùng với chính sách cho vay lỏng lẻo những năm trước đã để lại nhiều hệ lụy, trong đó có nợ xấu.

Sự phát triển ồ ạt của hệ thống ngân hàng thương mại cũng là một nguyên nhân gia tăng nợ xấu (cả nước có khoảng 100 ngân hàng). Sự ra đời của ngân hàng dễ dàng, thậm chí không đạt tiêu chuẩn về vốn ban đầu đã thúc đẩy các ngân hàng nhỏ tìm mọi cách tăng vốn huy động, thúc đẩy tín dụng bằng cách nới lỏng tiêu chuẩn cho vay, cho vay dễ dãi, thiếu các điều kiện bảo đảm cần thiết… cũng làm cho nợ xấu gia tăng.

Nợ xấu gia tăng nay có nguyên nhân từ thực trạng kinh tế và chính sách thắt chặt tín dụng. Lạm phát tăng cao, những điều chỉnh về tỉ giá, tăng giá nhiều nguyên nhiên vật liệu khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chính sách thắt chặt tiền tệ khiến lãi suất huy động và cho vay đều tăng cao bồi thêm những khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng cho vay lãi suất cao cũng hướng đồng tiền chuyển vào các lĩnh vực có yếu tố rủi ro cao, chỉ những lĩnh vực đó mới có cơ hội lãi cao khiến nợ xấu tiềm ẩn và dễ bục phát.

Cần kiểm tra hoạt động ngân hàng

Tình hình nợ xấu được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng 5 tháng cuối năm do sản xuất kinh doanh chưa có dấu hiệu khả quan, lạm phát vẫn tăng cao và lãi suất cho vay chưa giảm. Ngân hàng Nhà nước cũng dự tính nợ xấu tới 5% tổng dư nợ vào cuối năm. Tỉ lệ trên có thể vẫn chưa khiến cơ quan quản lí lo ngại nhưng nếu tỉ lệ đó rơi chủ yếu vào các định chế tài chính lớn thì sẽ rất phức tạp và khó xử lí.

Tại kì họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, nhiều Đại biểu đề nghị kiểm tra, kiểm toán hoạt động Ngân hàng, đánh giá chất lượng hoạt động ngân hàng. Trong bối cảnh kinh tế sa sút, doanh nghiệp khó khăn nhưng ngân hàng vẫn lãi hàng nghìn tỉ đồng kèm theo tình trạng nợ xấu gia tăng là nghịch lí, làm gia tăng lạm phát, tác động không nhỏ ảnh hưởng xấu đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh xã hội.

Phạm Việt Tường